Bị biến chứng hiếm gặp sau mổ tuyến giáp, nữ bệnh nhân chảy hàng lít dịch mỗi ngày, đe dọa tính mạng

Theo nhận định của các bác sĩ, rò mạch bạch huyết là một trong những biến chứng hiếm gặp sau mổ ung thư vùng cổ, ngực nói chung. Biến chứng này trước đây gần như không có cách nào can thiệp.

Mới đây, Khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ phối hợp với Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đã phẫu thuật thành công ca bệnh bị ung thư tuyến giáp tái phát đồng thời can thiệp nút rò mạch bạch huyết hiếm gặp, đe dọa tính mạng người bệnh.

Bệnh nhân Nông Thúy N. (42 tuổi, ở Cao Bằng) đã mổ ung thư tuyến giáp và điều trị phóng xạ khoảng 10 tháng trước. Đến cuối tháng 5/2019, bệnh nhân tái khám và được phát hiện các hạch di căn vùng cổ do ung thư tuyến giáp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ lần 2 vét hạch ung thư vùng cổ 2 bên.

bi-bien-chung-hiem-gap-sau-mo-tuyen-giap-nu-benh-nhan-chay-hang-lit-dich-moi-ngay-de-doa-tinh-mang

Dịch dò của bệnh nhân thay đổi về số lượng và màu sắc theo chế độ ăn. Ảnh: BVCC

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, không khó thở, toàn trạng tiến triển tốt. Tuy nhiên, dẫn lưu dịch vùng cổ của bệnh nhân thấy chảy ra dịch trắng đục số lượng nhiều (khoảng 1 lít/24h). Đặc biệt, số lượng và màu sắc dịch thay đổi theo chế độ ăn: Ăn có mỡ thì dịch màu trắng đục như sữa và số lượng nhiều, ăn kiêng mỡ thì dịch ra màu vàng nhạt.

Chẩn đoán đây là trường hợp hy hữu sau mổ bị rò dưỡng chấp, đã điều trị bằng thuốc giảm tiết dịch kết hợp với nuôi dưỡng đường tĩnh mạch 2 tuần không kết quả. Bệnh nhân tiếp tục được tiến hành chụp bạch mạch qua hạch bẹn để xác định vị trí rò.

Theo nhận định của các bác sĩ điện quang can thiệp, rò mạch bạch huyết là một trong những biến chứng hiếm gặp sau mổ ung thư vùng cổ, ngực nói chung do tổn thương vào ống dẫn lưu bạch huyết chính ở vùng ngực.

Biến chứng này trước đây gần như không có cách nào can thiệp, phẫu thuật tìm chỗ rò không khả thi, nhiều bệnh nhân bị rò hàng lít dịch mỗi ngày khiến cơ thể suy kiệt, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

bi-bien-chung-hiem-gap-sau-mo-tuyen-giap-nu-benh-nhan-chay-hang-lit-dich-moi-ngay-de-doa-tinh-mang

Hình ảnh khi tiến hành can thiệp nút mạch cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - người trực tiếp thực hiện ca can thiệp cho biết, bệnh nhân được chỉ định can thiệp qua da bằng một kim rất nhỏ được tiêm vào hạch bạch huyết nằm dưới da vùng bẹn để bơm chất cản quang vào hạch và đi lên theo tuần hoàn bạch huyết. 

Khi thuốc cản quang hiện hình hệ thống bạch huyết, các bác sĩ phát hiện một điểm rò nằm ở vùng cổ bên trái chảy dịch bạch huyết tạo thành một khối dịch lớn phần mềm vùng cổ.

Đây là một kỹ thuật rất khó đòi hỏi phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện quang can thiệp do ống bạch huyết có đường kính khoảng 1.5 - 2 mm nằm sâu sát cột sống và nằm kẹt vào giữa động mạch chủ bụng và tĩnh mạch chủ bụng, phía trước ống bạch huyết là ruột, mạch máu, mạc treo…

Đáng chú ý, các dụng cụ can thiệp gồm kim chọc, ống thông đều rất nhỏ nên có thể đi xuyên qua các tạng mà không làm tổn thương hay chảy máu trong ổ bụng. Quá trình can thiệp thực hiện dưới gây tê tại chỗ và tiền mê đường tĩnh mạch.

Sau can thiệp nút tắc điểm rò bằng keo sinh học 24 giờ, dẫn lưu dịch giảm còn khoảng 50ml, theo dõi đến ngày thứ 3 dẫn lưu dịch không ra thêm. Bệnh nhân được cho ăn qua đường ruột và rút dẫn lưu sau 7 ngày. Sau một thời gian theo dõi, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt và được chỉ định xuất viện.

Theo GiaDinh