Bí ẩn loài cây có khả năng 'đi bộ' duy nhất trên thế giới

Người dân cho biết loài cây có một bộ rễ dài và khỏe, mọc ra ngoài thân cây và đâm thẳng xuống mặt đất, nhìn rất giống những chiếc xúc tu. Cây có thể di chuyển 2 - 3 cm mỗi ngày hay 20m mỗi năm.

Socratea exorrhiza hay còn gọi là “cây đi bộ”, là một loài cây cọ đặc biệt sống trong các khu rừng mưa nhiệt đới ở các nước Trung và nam châu Mỹ như Ecuador. Chúng có một bộ rễ dài và khỏe, mọc ra ngoài thân cây và đâm thẳng xuống mặt đất, nhìn rất giống những chiếc xúc tu.

Theo người dân địa phương, sở dĩ người ta đặt cho cây cái tên “cây đi bộ” bởi chúng có thể di chuyển từ nơi bóng râm ra ánh sáng mặt trời bằng cách cắm rễ mới theo hướng nó muốn di chuyển, còn các rễ già sẽ từ từ bật lên, khô lại và mục đi. Quá trình này có thể kéo dài vài năm, nhưng cũng có người cho biết cây có thể “đi” được 2 hoặc 3cm mỗi ngày hay 20 mét mỗi năm.

Bí ẩn loài cây có khả năng 'đi bộ' duy nhất trên thế giới

Loài cọ này có thể di chuyển 20 m trong một năm

Nhà báo của BBC, Karl Gruber cho rằng, Socratea exorrhiza cho ra rễ mới tạo điều kiện cho cây di chuyển đến các vùng đất khác trong rừng. Không giống những loài cây khác vốn có bộ rễ nằm hoàn toàn dưới đất, loài cọ này lại có bộ rễ nổi một phần lên mặt đất, gốc thân cây nằm trên không trung.

Tán cây của loài cọ này được miêu tả không khác gì chiếc chổi ngược. Khi đất xói mòn làm một số nhánh rễ bị chết đi, những nhánh rễ mới sẽ nhanh chóng mọc ra thay thế giúp cây trụ vững.

Tuy nhiên, nhà sinh vật học Gerardo Avalos, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững tại Atenas, Costa Rica cho rằng đây chỉ là do người dân "nói quá" nhằm thu hút khách du lịch. Ông đã nghiên cứu và chỉ ra rằng “cây đi bộ” không hề có khả năng di chuyển. Một vài rễ già ở cây có thể chết đi, tuy nhiên thân cây vẫn vững chắc tại vị trí ban đầu.

Các nhà khoa học chưa rõ về vai trò của những chiếc rễ mọc ra từ thân. Một số cho rằng chúng giúp cho cây vững chắc hơn, một số khác cho rằng chúng giúp cây mọc cao hơn mà không tăng đường kính thân cây. Những giả thuyết này đến nay vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.

Theo VietQ