Bí ẩn ” giếng ngọc” ở lăng Hoàng Gia và câu chuyện ly kỳ về Hoàng thái hậu Từ Dũ

Tìm về lăng Hoàng Gia (xã Long Hưng, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) vào những ngày cận kề Tết nguyên đán Ất Mùi 2015, chúng tôi được ông Phạm Đăng Được cùng người quản lý lăng nói về lịch sử của lăng mộ, cũng như những câu chuyện kỳ bí xung quanh gia tộc Phạm Đăng...

giếng ngọc

Giếng nước kỳ lạ...

Là cháu đời thứ 9 của gia tộc họ Phạm Đăng, hiện ông Được đang lưu trữ khá nhiều tài liệu về dòng họ.

Ông Được kể lại rằng: “ông Phạm Đăng Long là người tinh thông phong thủy, địa lý nên đã bỏ công đi nhiều, nơi tìm vùng đất tốt để an cư lập nghiệp. Mong tìm được một vùng đất “long mạch” để làm phúc cho gia tộc được phát tích và ông tiến thẳng về phương Nam. Một ngày, ông dừng chân tại vùng đất Tiền Giang. Nghe dân làng “than trời trách đất” về việc hạn hán kéo dài, lượng nước ngọt dự trữ đã hết, đào giếng thì nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn không sao dùng được. Sau khi nghe dân làng bày tỏ nỗi lòng, ông quyết tâm ở lại chốn này tìm cách giúp dân. Gò Rùa, một gò cao nhất vùng được ông chọn làm nơi cư trú. Sau đó, ông gọi người đào giếng tìm nguồn nước ngọt để phục vụ cho gia đình mình”.

Liên quan đến giếng nước ngọt mà ông Phạm Đăng Long đào tại Gò Rùa, ông Được còn cho hay: “Tương truyền rằng khi đến ngày vợ chồng ông Phạm Đăng Hưng, một thành viên của gia tộc Phạm Đăng hạ sinh bà Phạm Thị Hằng (tên thật của Hoàng thái hậu Từ Dũ) bỗng có 2 điều kỳ lạ xảy ra: Thứ nhất, tất cả các giếng nước trong làng bỗng dưng cạn kiệt dù là nước ngọt, mặn, hay nhiễm phèn. Chỉ riêng giếng nước của gia tộc Phạm Đăng bỗng nhiên đầy nước, nước ngọt lịm, mát lạnh hơn khi ngay cả khi đưa lên bờ.

Câu chuyện kỳ lạ về giếng nước nhanh chóng lan truyền, dân cả vùng kéo nhau về đây xin nước. Năm đó, nước giếng của gia tộc Phạm Đăng cứu dân quanh vùng tránh khỏi nạn diệt vong”.

Ông Được tiếp tục cho hay: “Thứ hai là việc xuất hiện một vầng trăng chiếu sáng cả vùng gò Rùa. Sau đó, vầng trăng kia rơi xuống đúng trong khuôn viên gia tộc. Lúc vầng trăng rơi xuống cũng chính là lúc tiếng khóc đầu tiên của bà Phạm Thị Hằng cất lên. Thân sinh của bà vì thế mà lấy tên Hằng đặt cho bà để ghi lại sự kiện này.

Hai điều kỳ lạ trên như báo hiệu bà sẽ là một nhân vật xuất chúng làm rạng rỡ dòng tộc Phạm Đăng nói chung, vùng đất Tiền Giang nói riêng”.
 
Vừa nói, ông Được vừa đưa cho chúng tôi xem 2 câu thơ của soạn giả Nguyễn Liên Phong viết vào năm 1913. Hai câu thơ nói về việc gia tộc Phạm Đăng về đây sinh sống, xây dựng cơ ngơi trên “long mạch” của vùng đất Tiền Giang vốn quanh năm 2 mùa mưa nắng, nước quanh năm nhiễm phèn, nhiễm mặn như là một điềm lành. Việc dòng họ Phạm Đăng tìm về vùng đất này khởi dựng sự nghiệp sẽ làm gia tộc của ông thịnh vượng, mang phúc lại cho gia đình và cả vùng. Hai câu thơ đó là: “Lộ thủy trình tường ngoại / Quy khâu trúc phước cơ” được ông tạm dịch là “Nước ngọt điềm lành ngoại / Gò Rùa mọc phước cơ”.

Sau khi khu nhà của gia tộc được dựng nên, đặc biệt là sau khi Phạm Thị Hằng, một người con gái của gia tộc Phạm Đăng vốn hiền dịu, xinh đẹp, nết na được tiến thẳng vào cung làm vợ vua. Dân gian còn lưu truyền chuyện những cô gái từ trong những ngoài vùng muốn xinh đẹp, đức độ như bà phải đến đây uống nước giếng của gia tộc Phạm Đăng. Người ta cho rằng do hằng ngày bà dùng nuớc từ cái giếng đặc biệt kia nên mới có được tài sắc, đức độ. Một ông cụ cao niên kể lại rằng, lúc nhỏ, ông vẫn thường nghe cha mẹ kể câu chuyện về bà Phạm Thị Hằng và thấy cảnh các thiếu nữ khắp nơi đến đây xin nước về uống mong có được sắc đẹp, nết na giống như bà.
 
Bậc “mẫu nghi thiên hạ” trong sử Việt
 
Tên thật của Hoàng thái hậu Từ Dũ (hay Từ Dụ) là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ (1810). Bà là người phụ nữ gắn liền vói triều Nguyễn suốt 78 năm với vai trò là người cố vấn cho các vị vua Thiệu Trị, Tự Đức. Được người đời ca ngợi như một tấm gương sáng mẫu mực về phẩm hạnh, tài năng và đức độ của người phụ nữ Việt Nam.
Với tính ham học, hiền dịu, nết na từ lúc nhỏ được cha là ông Phạm Đăng Hưng dẫn đi theo ngao du thiên hạ ra Bắc vào Nam. Rồi đến năm 14 tuổi sau một lần theo cha ra Huế, bà được Thuận Thiên thái hậu Trần Thị Đang đưa vào cung hầu hạ cho vua Thiệu Trị vì sắc đẹp, tính tình nết na hiền dịu của người con gái phương Nam này.

Thời gian ở trong cung, mỗi đêm vua Thiệu Trị thức đọc sách, bà luôn bên cạnh, thức đêm cùng đọc sách, chăm sóc cho vua. Là phụ nữ nhưng trong bà lại mang khí phách của một đấng nam nhi. Vốn tính thẳng thắn, công minh nhưng khi ai phạm lỗi bà tìm cách dạy dỗ bảo ban hơn là sử dụng hình phạt. Bà thẳng thắn phê phán thói cậy quyền cậy chức, tham ô, xa hoa, lãng phí.

Mặt khác, bà rất trọng dụng những bậc hiền tài, giỏi giang, mẫu mực như Nguyễn Tri Phương hay một Võ Trọng Bình thanh liêm, một Phạm Phú Thứ thẳng thắn. Năm 1898, do hạn hán thiên tai xảy ra nhiều nên người dân ở nhiều nơi đói kém. cảm thông với nỗi thống khổ của người dân, bà đứng ra xin miễn giảm thuế cho người dân. Hiện nay, ở Huế còn lưu giữ bài vè 700 câu thơ về công đức của bà.

Nói đến việc này, người cháu đòi thứ 9 của bà còn tấm tắc nói thêm về cuộc sống thường ngày của bà mà ông đã được cha ông kể lại: “Hằng ngày, bà chi tiêu rất tiết kiệm. Bà thường xuyên nói với triều thần: “Một sợi tơ, một hạt gạo cũng là máu, là mồ hôi nước mắt của người dân nên đừng lãng phí”. Đặc biệt là việc vua Tự Đức muốn tấn tôn cho bà nhưng bà một mực nhất định từ chối. Trì hoãn mãi đến ngày 15 tháng 4 năm Tự Đức (1849) nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới nhận kim bảo và tôn hiệu là Hoàng thái hậu”.

Trương Định từng đóng quân tại đây

Theo gia phả gia tộc Phạm Đăng thì lăng Hoàng Gia từng là nơi nghĩa quân Trương Định đóng quân để gây dựng lực lượng chống Pháp. Ông Được cho biết: “Vào năm 1862, Hiệp ước Triều Nguyễn nhượng 3 tỉnh Đồng Nai, Gia Định, Định Tường cho Pháp, đồng thời ra lệnh cho các tổ chức kháng Pháp bãi binh, đã châm dầu vào ngọn lửa đấu tranh đang âm ỉ và làm bùng dậy cuộc khởi nghĩa của anh hùng Trương Định. Quá trình chiến đấu của nghĩa quân Trương Định tuy chỉ diễn ra vài năm, nhưng đã trở thành lá cờ đầu kháng Pháp trải rộng suốt vùng châu thổ Nam bộ, trong đó có tỉnh Tiền Giang, huy động một lực lượng quân dân hùng hậu, xây dựng những khu vực phòng thủ phù hợp với vùng sông nước mênh mông và tiến hành các mũi tiến công gây nhiều tổn thất cho quân thù”

Theo Đại Hoàng (Đời sống và Pháp luật)