Bệnh viêm màng não do vi rút có dấu hiệu gia tăng, phòng tránh thế nào?

Trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 187 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút, trong đó có 8 trường hợp tử vong.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2019, bệnh viêm màng não đã có những dấu hiệu tăng tiến và đang được đưa vào tình trạng báo động. Thống kê cho thấy, tính đến thời gian này cả nước có 57 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút thì có tới 4 trường hợp tử vong rơi vào tháng 5. Tất cả các trường hợp mắc bệnh viêm màng não này đều do mô cầu.

Cũng theo thống kê, tổng trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 14,4 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 2 trường hợp tử vong; 58,2 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong; 187 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút thì 8 trường hợp tử vong; 11 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu; 21,8 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 3,4 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính có 1 trường hợp tử vong; 806 người bị ngộ độc thực phẩm có 5 người tử vong.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, mùa Hè là thời điểm các dịch bệnh rất dễ lây lan nếu người dân không nâng cao ý thức phòng ngừa. Những bệnh hay gặp mùa hè như nhiều nhất vẫn là tay chân miệng, cúm, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ, thủy đậu, liên cầu lợn, tiêu chảy, tả, lỵ… Mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị dịch, bệnh tấn công nhất. Vì vậy, công tác phòng chống dịch cho trẻ cần phải được chủ động thực hiện tốt tại cả gia đình và trường học, nhà trường cần liên hệ, phối hợp tốt với phụ huynh trong việc giám sát, theo dõi sức khỏe trẻ nhỏ.

benh-viem-mang-nao-do-vi-rut-co-dau-hieu-gia-tang-phong-tranh-the-nao

Cảnh báo tình trạng bệnh viêm màng não do vi rút gia tăng. Ảnh minh họa 

Bệnh viêm não virút trong mùa hè rất nguy hiểm vì vậy Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy. Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.

Đối với người bệnh nên hạn chế tiếp xúc và phải đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Nếu có các dấu hiệu như sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương, khi bệnh đã biến chứng với các dấu hiệu co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

Liên quan tới vấn đề trên, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não, viêm màng não là bệnh do hệ thần kinh trung ương bị viêm nhiễm. Căn nguyên chính dẫn đến bệnh viêm não ở trẻ nhỏ là virus (virus viêm não Nhật Bản, virus gây bệnh sởi, tay chân miệng… dẫn đến biến chứng viêm não) và cũng có nhiều trường hợp không phát hiện được căn nguyên gây bệnh. Bệnh có thể bị lây nhiễm khi bị muỗi đốt, hoặc lây qua đường tiêu hóa, hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp.

Theo các chuyên gia y tế, biểu hiện thường thấy nhất của viêm não, viêm màng não là sốt đột ngột (39 - 400C). Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ sợ ánh sáng, cứng gáy, mê sảng, co giật, mất ý thức… Mặc dù hàng năm số trẻ mắc viêm não không cao nhưng đây là một căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng, đặc biệt có thể lây lan qua đường hô hấp.

Hơn nữa với thể nhiễm khuẩn huyết viêm màng não mủ có thể gây diễn biến tối cấp, làm bệnh nhân tử vong ngay trong vòng 24 giờ khởi bệnh. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24 - 48 giờ khởi bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm chỉ còn hơn 10%. Do đó, nhận biết các triệu chứng và điều trị sớm, nhanh là rất quan trọng. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề không dễ dàng khi những triệu chứng ban đầu của viêm não khá giống với cảm cúm thông thường nên không ít trường hợp khi nhập viện đã quá muộn.

Bộ Y tế vừa cấp phép cho vaccine Imojev ngừa viêm não Nhật Bản do Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất tại Thái Lan được lưu hành sử dụng tại Việt Nam. Đây là loại vaccine ngừa viêm não Nhật Bản thế hệ mới nhất dùng để tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc khi trẻ lên 1-2 tuổi. 
Hiện tại Việt Nam đang lưu hành 2 loại vaccine ngừa viêm não Nhật Bản. Trong đó, có một loại trong Chương trình tiêm chủng mở rộng do Việt Nam sản xuất tiêm cho trẻ 12 tháng tuổi, tiêm nhắc mũi 2 lúc 1-2 tuần và tiêm nhắc mũi 3 là 1 năm sau.

Theo VietQ