Bệnh nhân lo sợ ung thư khi đau âm ỉ vùng dưới xương ức, bác sĩ tìm ra nguyên nhân là... chiếc xương cá

Gia đình có tiền sử bố mẹ bị ung thư nên khi thấy đau vùng dưới xương ức, bệnh nhân đã vào viện kiểm tra. Các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân là từ “sự cố” trong bữa ăn.​

Bệnh nhân N.T.X, 53 tuổi, ở Hưng Yên xuất hiện đau vùng dưới xương ức ngày thứ 2 đã được người nhà đưa vào BVĐK Medlatec thăm khám. Theo chia sẻ của bệnh nhân, trước khi vào viện thấy đau vùng mũi ức, đau âm ỉ liên tục, đau đâm xuyên ra sau lưng. Mỗi khi thay đổi tư thế, tình trạng đau càng nhiều hơn nhưng không xuất hiện bất thường khác như không khó thở, không sốt, không nôn…

Bản thân bệnh nhân từng có mẹ bị ung thư thực quản, bố lại đang điều trị ung thư dạ dày nên khi xuất hiện những dấu hiệu này đã vô cùng lo sợ bị ung thư.

Khi đến khám, bệnh nhân khỏe, tỉnh, huyết áp, nhiệt độ và tim phổi bình thường.

Tuy nhiên, để khảo sát toàn bộ yếu tố nguy cơ, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định làm thêm một số chuyên khoa.

Khi nội soi thực quản - dạy dày, ngoài phát hiện viêm dạ dày, tại thực quản đoạn 1/3 giữa (cách cung răng trên khoảng 28 cm) có xương cá sắc nhọn mắc ngang thực quản, chiều dài xương khoảng 3 cm. Ngay lúc đó, bác sĩ nội soi đã nhanh chóng lấy dị vật thực quản (xương cá) ra ngoài.

benh-nhan-lo-so-ung-thu-khi-dau-am-i-vung-duoi-xuong-uc-bac-si-tim-ra-nguyen-nhan-la-chiec-xuong-ca

Dị vật được lấy ra ở bệnh nhân X. Ảnh BVCC

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, BS Lê Văn Khoa - Chuyên khoa Tiêu hóa của bệnh viện Medlatec cơ sở 2 cho biết, trong quá trình nội soi khi đưa máy đến 1/3 giữa thực quản thấy dị vật mắc ngang thực quản. Để gắp dị vật, bác sĩ đã dùng kìm chuyên dụng. \

Ngay sau đó, bệnh nhân được kê đơn điều trị nội khoa. Sau 3 ngày gắp dị vật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không còn tình trạng đau tức, ăn uống và sinh hoạt bình thường.

Theo bác sĩ, gắp dị vật là thủ thuật đơn giản nhưng cần thực hiện thận trọng. Như trường hợp bệnh nhân X, dị vật là xương cá sắc nhọn, trong quá trình gắp nếu không đúng kỹ thuật sẽ gây rách, chảy máu vết thương, đồng thời xương cá không thể ra được.

Mắc dị vật ở thực quản, dạ dày, tá tràng,… là sự cố rất hay gặp phải. Các dị vật vào dạ dày, đại tràng, khoảng 80-90% là tự thoát ra khỏi đường tiêu hóa, nhưng có 10-20% cần can thiệp qua phẫu thuật hoặc lấy dị vật. Trong đó, dị vật thực quản là một cấp cứu rất thường gặp khi ăn uống.

 Bệnh chủ yếu gặp ở người cao tuổi, trẻ lớn. Nếu không được phát hiện sớm, xử trí kịp thời, bệnh có thể gây đau xương ức, đau xuyên ra sau lưng, lan lên bả vài, nghiêm trọng hơn là gây áp xe thực quản, thủng thành thực quản, thủng mạch máu lớn,...

Để phát hiện sớm, tránh biến chứng nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân, chuyên khoa Tiêu hóa khuyến cáo người dân cần đi khám ngay nếu xuất xuất hiện một số những dấu hiệu bất thường như sau:

• Có cảm giác nuốt vướng, đau khi nuốt;

• Không ăn, uống được;

• Xuất hiện triệu chứng nôn hoặc buồn nôn khi ăn uống;

• Khó thở, tức ngực, đau rát sau xương ức.

Theo GiaDinh