Bé trai chào đời nặng 1kg và hành trình đẫm nước mắt giành lại con từ tay tử thần

"Ngày con chào đời chỉ vỏn vẹn 1kg mẹ bình tĩnh đến phát sợ nhưng trong lòng là giông bão".

Người mẹ dũng cảm suốt hành trình giành con từ tay tử thần - Phạm Thị Kim Tiến. (Ảnh NVCC)
Chị Phạm Thị Kim Tiến - 24 tuổi, ở Phúc Thọ (Hà Nội) đầy xúc động khi chia sẻ hành trình làm mẹ vô cùng gian nan của mình.
 
Người mẹ trẻ cho biết chị kết hôn đầu tháng 9/2017, hai tháng sau cả gia đình đón thêm niềm vui và hạnh phúc khi biết tin chị mang thai. Tưởng chừng mọi chuyện suôn sẻ nhưng điều không may xảy ra khiến chị gần như sụp đổ. Ngày đón con chào đời chẳng thể vui vẻ khi chứng kiến đứa trẻ đỏ hỏn chỉ vỏn vẹn được 1kg, đủ thứ dây dợ quanh mình nằm thoi thóp trong lồng kính.
 
Trích Nguyên văn lời chia sẻ của chị Tiến dưới đây:

Ngày biết tin có em bé, mẹ vẫn đi siêu âm đều đặn. Em vẫn phát triển bình thường và vẫn tăng cân. Đến tuần thứ 23-24 mẹ bắt đầu có dấu hiệu phù chân, phù mặt, đi lại chân rất đau và nhức. Đi đăng kí đẻ ở trạm y tế xã họ phát hiện huyết áp cao hơn bình thường tầm 170/110. Đi khám ở các trung tâm thì kết quả khác nhau.

Đến ngày 10/04/2017, bố mẹ đưa em đi khám ở viện Phụ sản TW. Và nhập viện ngay hôm đó với huyết áp 180/110, protein niệu cao bất thường được xác định là tiền sản giật nặng.

Bé Duy Quang lúc mới chào đời. Ảnh: NVCC

Vào viện được đưa lên khoa Sản C là sản bệnh lý. Thuộc vào bệnh nhân nặng của khoa, được chú ý theo dõi hàng ngày kể cả ngày nghỉ. Đo huyết áp liên tục đều như vắt chanh mỗi ngày, vào 6h sáng là đo huyết áp, lấy 4ml máu trong suốt 2 tuần liên tục trừ chủ nhật. Nhiều đến nỗi tay xanh tím vì vỡ ven. Truyền thuốc hạ áp từ 22h đến 18h ngày hôm sau.

Cứ như vậy suốt 2 tuần, khoảnh khắc bác sĩ tới thăm bệnh và thông báo tình trạng của con là mỗi lần đau thắt lòng mẹ. Con lúc đấy mới chỉ 800g, tuổi thai 25 tuần.

Dần quen với thực tế, quen với những lời “ cay nghiệt “ của bác sĩ mẹ lấy lại được  tinh thần. Cố gắng ăn thật nhiều, thật vui vẻ. Mỗi lúc khóc là lấy hoa quả ra ăn để quên đi. Mỗi lần tắm mẹ lại xoa bụng rồi nói: "Cố lên nhé con trai. Mẹ con mình phải gặp nhau. Mẹ con mình cùng cố gắng"

Thực ra, động viên em thì ít nhưng động viên bản thân thì nhiều. Động viên bố ở nhà đi làm, một mình mẹ tự lo được. Không muốn bố đi đi lại lại chểnh mảng công việc. Càng không muốn mình là gánh nặng của mọi người.

Đến tuần thứ 27 em được 1kg, lúc này bố mẹ phải ký quyết định giữ thai hoặc đình chỉ thai nghén. Mẹ bảo bố nếu như em vẫn giữ 1kg hoặc giảm cân nặng đi vì dinh dưỡng em không hấp thu được mà đào thải qua nước tiểu của mẹ thì sẽ quyết định mổ.

Bác sĩ tư vấn nếu em còn tiếp tục giữ thì khả năng sẽ không giữ được cả mẹ, cả con. Thai ở trong bụng em càng lâu thì em bị suy gan, suy thận...và thai càng suy dinh dưỡng. Và rồi ngày 25/4/2017 mẹ quyết định mổ.

Y tá đẩy 2 mẹ con trên xe, mẹ bình tĩnh đến nỗi bố phát sợ. Nhưng trong lòng mẹ là giông bão, lẩm bẩm trong miệng "cố lên con trai".

Mẹ lên bàn mổ với huyết áp là 180/110. Thuốc gây mê khiến mẹ mơ màng nhưng vẫn nghe rõ lời bác sĩ bé “ trộm vía được 1kg “. Mẹ mừng rơi nước mắt chưa kịp ngắm thì con phải đưa vào lồng ấp. Sau 3 tuần mẹ mới được thăm em nhưng cảnh tượng khiến mẹ ngã gục, nước mắt chảy như mưa. Đứa bé đỏ hỏn dây dợ giăng đầy mình, nhìn thấy rõ từng mạch máu, phổi phập phồng giữa lồng ngực.

Rồi sau đó là những ngày tháng chăm con đầy tủi hờn, đau đớn mẹ từng trải qua. Bố và mẹ xuống gần bệnh viện thuê trọ vắt sữa đều đặn ngày 6 cữ cho em. Vắt nhiều, mẹ bị viêm tới mức phải dùng kháng sinh điều trị.

Ròng rã 1 tháng 30 ngày, em tăng từng lạng từng hoa nhưng bố mẹ lấy đó làm động lực. Những ngày ở Hà Nội nắng nóng 40-420C mẹ vẫn không nản, cuối cùng em được bác sĩ chỉ định cho ấp kiểu Kangaroo.

Bố mẹ đón e ra viện nhưng thuê khách sạn ngay gần đó để tiện theo dõi và chờ ngày kiểm tra lại. Trộm vía em được 1,7kg và cơ thể phát triển bình thường. Và tới ngày em được chính thức về nhà sau chuỗi ngày vất vả, nước mắt có tủi hờn cũng có".

Những ngày trong bệnh viện bé tăng từng lạng từng hoa lên 1,7kg. Ảnh: NVCC

Nói về hành trình làm mẹ của mình chị Tiến cho biết, bản thân vẫn nhớ như in từng lời của bác sĩ về tình trạng của con cũng như hình ảnh đứa trẻ. Những ngày đầu khó khăn chồng chất khó khăn khi bé sinh non, lại quá nhỏ.

"Vì phổi bé chưa hoàn thiện nên rất dễ có những cơn ngừng thở, roi dễ bị tím tái.... Lúc đầu bé chưa ti được thì phải bón sữa bằng thìa nhỏ" - Người mẹ chia sẻ.

Bé Quang sau khi được về nhà. Ảnh: NVCC

Hình ảnh hện tại của bé Quang. Ảnh: NVCC

Nói về sức mạnh để vượt qua giông tố, có lẽ động lực lớn nhất là có chồng, bố mẹ người thân bên cạnh. Và động lực lớn nhất là con. Giai đoạn khủng hoảng nhất đã qua, bây giờ mẹ con trọn vẹn rồi thì không lẽ nào mình không vượt qua được.

Chị Tiến nói: "Chồng em là người hay suy nghĩ. Nhưng không khóc trước mặt em bao giờ. Có hôm đưa sữa vào thăm con xong về anh ấy không ngủ được. Nói nhớ con, nhìn ánh mắt của con anh buồn. Rồi 2 vợ chồng ôm nhau khóc. Những ngày gian nan vất vả chăm con sau này anh vẫn lo lắng từ việc pha sữa, bế con, ru con ngủ...".

Tới hiện tại bé được 1 tuổi, trộm vía ngoan và phát triển bình thường. Những lúc nhìn con say giấc, vợ chồng vẫn thủ thỉ rằng: "Khó khăn nào cũng qua hết. Dù lúc đấy tưởng chừng như mất phương hướng, thất vọng bế tắc nhưng chúng ta cứ cùng nhau bước đi thì khi nhìn lại thì không gì là không thể".

Gia đình nhỏ hạnh phúc của chị Kim Tiến. Ảnh: NVCC

Câu chuyện được chị Tiến chia sẻ nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người, nhất là những bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Đa số ý kiến bày tỏ lòng thán phục người mẹ trẻ, thậm chí có người còn ví hành trình này như "câu chuyện cổ tích" giữa đời thường hết sức cảm động.

Mộc Miên/ Nguồn FBNV

Theo PhuNuNews