Bé sơ sinh bị bỏ rơi hơn 40 giờ nghi bị nhiễm trùng máu, bác sĩ dồn lực cứu chữa

Sau 2 ngày tiến triển tốt, hôm nay 12-6, bé sơ sinh bị bỏ rơi hơn 40 giờ ngoài trời ở Sơn Tây, Hà Nội, có những diễn biến bất lợi. Các bác sĩ cho biết sẽ hội chẩn tìm phương pháp tốt nhất để cứu bé.

Bé An ngày 11-6, khi mở mắt lần đầu sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bé Nguyễn Văn An, bé sơ sinh bị bỏ rơi hơn 40 giờ ngoài trời ở Sơn Tây, Hà Nội, có biểu hiện bất lợi về sức khỏe, nghi ngờ bị nhiễm trùng máu.

"Bệnh viện sẽ tổ chức hội chẩn, tìm biện pháp cứu chữa cho cháu", thông tin từ phòng công tác xã hội Bệnh viện Xanh Pôn cho biết.

Theo đó, ngày 11-6 - ngày thứ ba tính từ khi bé An nhập viện, bé đã mở mắt, tỉnh, tự thở, mắt bé có viêm kết mạc nhưng chưa phát hiện tổn thương giác mạc, tai chưa phát hiện bất thường, hiện tượng vàng da đã được can thiệp chiếu đèn. Do tình trạng viêm ruột nặng nên bé được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch và truyền kháng sinh. Những diễn biến cho thấy tiến triển của bé rất tốt.

Nhưng sang ngày 12-6, các biểu hiện của bé không tốt như trước và cần phải hội chẩn. Tuy nhiên, bác sĩ đánh giá trẻ sơ sinh thông thường cũng có thể có những thay đổi nhanh chóng về sức khỏe, trong khi bé An là trường hợp đặc biệt: bé đã bị bỏ rơi trong hơn 40 giờ đầu đời (từ đêm 6-6 đến chiều 8-6), không được ăn uống chăm sóc, trong khi thời điểm bé bị bỏ rơi ngoài trời là cao điểm nắng nóng.

Khi được phát hiện, bé có dòi ở mắt, miệng, ống tai, bị kiến cắn. Biểu hiện những ngày vừa qua của bé, theo Bệnh viện Xanh Pôn, là rất kiên cường. Do những diễn biến mới, các bác sĩ cho biết đang dồn tổng lực và quyết tâm cứu chữa cho cháu. 

"Hi vọng bé An sẽ nhanh hồi phục và trở thành em bé lạc quan, kiên cường", đại diện Bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ.

L.ANH

Theo Tuổi trẻ

---

Xem thêm:

Lý giải về sự sống sót kì diệu của em bé bị bỏ rơi ở hố ga 3 ngày giữa trời nóng 40 độ

 Em bé bị bỏ rơi trong điều kiện khắc nghiệt - dưới hố ga, trời nắng nóng, không được ăn, bị côn trùng xâm nhập - nhưng vẫn sống sót kì diệu. Liệu có một bí ẩn nào hay hoàn toàn có thể lý giải một cách khoa học?

Có nhiều người khát khao từng ngày để được làm cha, làm mẹ. Họ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được một đứa trẻ. Nhưng cũng có những phụ nữ lại nhẫn tâm vứt đi sinh linh bé nhỏ mà mình dứt ruột đẻ ra. 

Hai câu chuyện về 2 đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi liên tiếp mấy ngày hôm nay khiến nhiều người cảm thấy rùng mình về sự máu lạnh của người lớn nhưng cũng vô cùng ngạc nhiên, thán phục trước sức sống kì diệu của 2 bé.

Như trường hợp cháu bé bị bỏ rơi ở hố ga 3 ngày giữa trời đang nắng ở TX Sơn Tây Hà Nội. Khi được đưa vào viện, bác sĩ kiểm tra cũng cho thấy mắt bị sưng do nhiễm khuẩn giác mạc, da toàn thân tái nhợt và có vết như kiến cắn, có rất nhiều dòi ở vùng miệng, rốn, quanh ổ mắt, ống tai... Điều kì diệu là dù 3 ngày không được ăn uống nhưng cháu bé vẫn sống sót kì diệu.

ly-giai-ve-su-song-sot-ki-dieu-cua-em-be-bi-bo-roi-o-ho-ga-3-ngay-giua-troi-nong-40-do

Bé trai bị bỏ rơi ở hố ga 3 ngày có sức sống kì diệu. Ảnh TL

Ngay trong sáng nay, một câu chuyện đau lòng nữa là bé trai bị bỏ rơi nặng khoảng hơn 2,5kg, được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) trong tình trạng rốn chưa cắt, bị kiến cắn, có mùi hôi.

Trước đó, người dân đã phát hiện bé bị bỏ rơi ở ven đường tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP.HCM). Cháu bé không có thông tin liên hệ.

Sức khỏe hiện đã ổn định sau khi được cấp cứu kịp thời. Điều kì diệu là bé sơ sinh ấy vẫn sống trong thời tiết nắng nóng, chiều tối lại có mưa như vậy.

Trao đổi với PV về sức sống kì diệu của em bé bị bỏ rơi này, ThS. BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn Dinh dưỡng- Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết:

"Khi đọc thông tin về cháu bé bị bỏ rơi dưới hố ga, bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên về trường hợp một đứa trẻ sơ sinh nhịn đến mấy ngày như vậy lại sống được, cộng thêm giữa thời tiết nắng nóng.

Sự việc này thật sự vô cùng hi hữu. Có thể lý giải một điều rằng đứa trẻ khi mới sinh ra nhu cầu về dinh dưỡng của đứa trẻ ít, nhu cầu về nước cũng ít hơn bình thường do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện cơ chế hấp thu”. 

Ths, BS Lê Thị Hải ví dụ, lượng sữa của trẻ những ngày đầu là rất ít, không cần nhiều như trẻ lớn, người lớn. Đến một tuần trẻ mới bú 50 – 60ml/ bữa.

Còn mấy ngày đầu sau sinh, thậm chí có những đứa trẻ chỉ cần bú mỗi bữa chỉ khoảng 15 – 20ml là đủ. Tuy nhiên sữa dành cho trẻ những ngày đầu sau sinh phải là sữa non giàu vitamin, chất đạm… Ngay sau sinh chỉ có sữa non của mẹ là phù hợp với trẻ và trong vòng một giờ đầu trẻ chỉ cần vài ml sữa non là đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.

"Một phần vì nhu cầu dinh dưỡng còn ít mà trước đó cháu bé đã được bú, được ăn rồi mới bị vứt bỏ như chia sẻ. Nhưng ngay cả những đứa trẻ bình thường chúng ăn không có nhiều nhưng vẫn cần phải ăn. Đứa trẻ bị vứt bỏ đến 3 ngày không ăn, uống vẫn sống được thực sự là điều vô cùng kì diệu.

Hơn nữa cũng có thể là đứa trẻ được để ở dưới hố ga ẩm, may mắn trời không mưa, che ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Nếu như bé phơi trực tiếp dưới cái nắng 40 độ những ngày qua thì bé  thực sự khó qua khỏi" – Ths Lê Thị Hải chia sẻ.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, sữa non có nhiều kháng thể IgA, IgG miễn dịch, rất tốt cho đường tiêu hóa non nớt của trẻ, đồng thời giúp bảo vệ trẻ sơ sinh cho đến khi hệ thống miễn dịch của chính trẻ hoàn thiện.

Sữa non cũng tạo ra một tác dụng nhuận tràng nhẹ, giúp bé nhanh đi phân su giảm được các nguy cơ bị tích tụ và ứ đọng muối mật (bilirubin) trong cơ thể của trẻ. Ngoài ra trẻ không cần phải ăn, uống thêm thứ gì khác.

TS Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cũng cho rằng, đã có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngay sau đẻ do vô tình, tai nạn hay cố ý bị người sinh ra bỏ đều là một câu chuyện kỳ diệu về khả năng sinh tồn của bé sơ sinh. Hiện tại trên các tạp chí Khoa học ở Việt Nam và thế giới cũng chưa có một nghiên cứu nào được báo cáo để lý giải cho hiện tượng kỳ lạ này. 

Có một số giả thuyết cho rằng nhu cầu trao đổi chất ở trẻ sơ sinh mới chào đời rất thấp. Trong trường hợp trẻ bị bỏ đói, khát trong nhiều giờ nhưng chỉ cần một lượng ô xy trong khí thở rất nhỏ trẻ vẫn có thể tồn tại được nhờ cơ chế tự bào mòn sinh tồn – lớp mỡ da của trẻ tự đốt cháy sinh năng lượng để cầm cự sự sống giống như một số lời động vật ngủ đông.

Tuy nhiên đó chỉ là giả thuyết. Hay một số trường phái lại tin vào Chúa trời và các Đấng tối cao đã hỗ trợ cho bé. Điều đó chưa có lí giải khoa học, cần chờ đợi các nghiên cứu khoa học làm sáng tỏ bí ẩn.

Nói về hành động vứt bỏ con của những người mẹ trên, các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng đó là hành vi của người mẹ này đã vi phạm đạo đức con người không thể chấp nhận được. Do vậy, trong trường hợp này, cần có điều tra xác minh bà mẹ có vấn đề về tâm thần hay không, động cơ nào mà lại bỏ rơi con mình đẻ ra.

Phương Thuận

Theo GiaDinh

----

Xem thêm:

+Điều kỳ diệu về vận số của những đứa trẻ có sức sống mãnh liệt dù bị bỏ rơi vẫn không từ bỏ sự sống

+MC Diệu Linh qua đời ở tuổi 29 vì ung thư máu

+Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về quy định xả rác nhiều phải trả tiền nhiều hơn

-----