Bé gái 12 tuổi có thai với bé trai 15 tuổi và chuyện những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải... làm mẹ

Mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe, mà còn làm mất đi tiềm năng ở các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống…

Mới đây, việc một bé gái 12 tuổi (trú tại huyện Bến Lức, Long An) có thai với bạn trai 15 tuổi (sống cùng xã) đã khiến người dân địa phương xôn xao. Câu chuyện này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng ngày càng có xu hướng gia tăng ở độ tuổi vị thành niên.

Thực tế, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở vị thành niên Việt Nam ngày càng sớm.

Tuy nhiên, kiến thức của vị thành niên về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế. Theo đó, chỉ có khoảng 20,7% sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên.

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe, mà còn làm mất đi tiềm năng ở các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống, khiến những bà mẹ trẻ và cộng đồng nơi họ sinh sống chìm trong cảnh đói nghèo...

Bé gái 12 tuổi có thai với bé trai 15 tuổi và chuyện những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải... làm mẹ - Ảnh 2.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở vị thành niên Việt Nam ngày càng sớm. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, làm mẹ lần đầu khi tuổi còn quá trẻ khiến các em chịu những nguy cơ tử vong và thương tật cao. Thai chết lưu và tử vong sơ sinh chiếm hơn 50% các ca sinh của các bà mẹ dưới 20 tuổi so với những bà mẹ từ 20-29 tuổi.

Ngoài ra, so với các bà mẹ sinh con ngoài 20 tuổi, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm tuổi 15-19 cao gấp 2 lần và cao gấp 4 lần đối với nhóm dưới 15 tuổi.

Mặt khác, các chuyên gia sản khoa cũng cho rằng, làm mẹ sớm ở tuổi vị thành niên, các bạn trẻ dễ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Việc phải vượt qua cuộc sinh nở khó khăn cũng như cơn đau đẻ chưa từng có khiến tâm lý của các sản phụ vị thành niên trở nên nhạy cảm, dễ rơi vào hoang mang. Nếu không có sự hỗ trợ và hướng dẫn từ người thân, các cô gái trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, suy nhược cơ thể và nhiều hệ lụy khác.

Từ thực trạng trên, BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết:

"Để giảm thiểu tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên, chúng ta cần thực hiện đầu tư sớm một cách có chiến lược vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của trẻ em gái vị thành niên, đồng thời bảo vệ các quyền con người cho các em.

 Việc này sẽ tạo ra vô số các tác động tích cực tới cuộc sống của các em, giúp làm giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn cũng như tránh được nhiều hệ lụy nguy hiểm cho các em".

Cùng với đó, thực hiện chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và dịch vụ phòng chống HIV cho vị thành niên.

Cần đảm bảo rằng, các dịch vụ này được cung cấp tới vị thành niên một cách tế nhị, đảm bảo bí mật, không mang tính phán xét và không phân biệt đối xử, không hạn chế về mặt pháp lý và phù hợp với các quy định quốc tế.

Ngoài ra, theo BS Mai Xuân Phương, cần ngăn ngừa kết hôn sớm bằng cách nâng tuổi kết hôn tối thiểu lên 18 tuổi, đảm bảo rằng các em gái được đi học và khuyến khích các em tham gia học trên bậc tiểu học.

Đồng thời, tạo ra các chương trình có mô hình không gian an toàn cho các em gái gặp gỡ nhau và gặp gỡ các cán bộ tư vấn - đây cũng là nơi thực hiện nội dung các chương trình giáo dục kỹ năng sống, nơi học tập, chăm sóc sức khỏe trẻ em và là nơi các em có thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Ngày 17/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 537/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030, trong đó có đề cập đến mục tiêu:

100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục thực hiện tuyên truyền về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình thông qua việc lồng ghép các nội dung vào các môn học chính khóa và ngoài giờ lên lớp phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo.

Mục tiêu là 90% vị thành niên, thanh niên được cung cấp, cập nhật kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình như các biện pháp tránh thai, tác hại của phá thai, mang thai ngoài ý muốn.

Mai Thùy

Theo GiaDinh

----

Xem thêm:

Đằng sau thế giới ngầm mại dâm vị thành niên ở Nhật Bản

Hẹn hò với các cô gái còn là học sinh dường như không phải vấn đề lớn ở đất nước mặt trời mọc.

Airi, 18 tuổi, không phải là học sinh trung học, nhưng cô mặc đồng phục học sinh tại một quán cà phê ở Tokyo. Airi nói, điều đó khiến cô phù hợp hơn với khách hàng so với khi cô mặc quần áo thông thường

Tại một quán cafe ở quận Akihabara (Tokyo, Nhật Bản) một khách hàng cho biết bắt chuyện với những nữ sinh bán thân rất dễ. Anh ta nói rằng đa số đàn ông giờ đã chán những quán bar thông thường với những phụ nữ "già nua". Những cô gái trẻ trung rất dễ thương, và bộ đồng phục làm họ hấp dẫn gấp đôi.

Xu hướng hẹn hò với thiếu nữ chưa thành niên, hay "JK" đang là nghề kiếm ra tiền. Các cuộc hẹn hò thường là dạo bộ quanh các khu nhà, uống rượu trong quán bar và thậm chí mua dâm.


Một cửa hàng dùng đồng phục học sinh để quảng cáo 

Kazue Muta, giáo sư Xã hội học tại trường ĐH Osaka giải thích rằng đối với xã hội phụ hệ như Nhật Bản, tâm lý tự nhiên sẽ coi những cô gái trẻ có giá trị và hấp dẫn hơn, từ đó sinh ra ngành dịch vụ tương ứng. Điều này được những tổ chức nhân quyền đề cập rất nhiều. Bộ Ngoại giao Mỹ từng lên tiếng lo ngại về việc mua bán dâm trẻ vị thành niên tại Nhật.

Dù độ tuổi trưởng thành theo luật quy định ban đầu là 13, đang có nhiều thành phố đề xuất nâng lên 18. Đây cũng là nỗ lực để ngăn chặn mua bán dâm vị thành niên. Tuy nhiên, đối với số đông người Nhật thì họ không quan tâm lắm tới vấn đề này hay hệ quả của nó. Họ chỉ coi đó là một ngành buôn bán: "Đàn ông muốn giải trí, còn học sinh thì cũng muốn có tiền"


Jun Tachibana (phải) đang tìm kiếm đối tượng  

Trong khi đó, dự án Bond Project do Jun Tachibana khởi xướng đang cố gắng ngăn chặn việc các cô gái bị lôi kéo vào nghề JK. Hàng đêm, họ loanh quanh ở những khu giải trí như quận Shibuya, bắt chuyện với những nữ sinh đang kiếm khách và đề nghị giúp đỡ họ.

Theo Tachibana, đa số nữ sinh làm JK đều gặp vấn đề cá nhân. Gia đình họ nghèo khó, hoặc họ từng bị lạm dụng, hay trải qua những biến cố khiến tính cách trở nên bất cần và có thể làm bất cứ điều gì. Thường thường các cô gái đó bỏ nhà nên cần kiếm tiền bằng JK.

Dù vậy, nỗ lực của Tachibana không đáng bao nhiêu. Các cô gái lang bạt thường dễ bị thuyết phục, còn nữ sinh vẫn đi học thì khó hơn nhiều. Có cả một đường dây chuyên tuyển các thiếu nữ mua vui cho đàn ông. Họ chỉ cần mặc đồng phục, ngồi gấp giấy ở tư thế hở hang nhất có thể. Mỗi khách hàng sẽ trả khoảng 60 USD cho 1 giờ đồng hồ "thưởng thức".


Một poster quảng cáo ở quận Akihabara 

Taka, một "tú ông" điều hành quả quyết rằng chính các nữ sinh này chủ động làm việc. Như Mio thường "đi khách" với giá 30 USD/lần ngay trong phòng karaoke. "Ở nhà chán lắm, bố mẹ thì căm ghét nhau, tôi muốn cảm thấy bớt cô đơn nên mới làm nghề này", cô nói.

Cuối tuần, Mio thường lang thang trên mạng đăng quảng cáo hẹn hò. Đa số các khách hàng tầm 40-50 tuổi, tức là ngang tuổi cha mẹ cô. Đương nhiên họ trả tiền rất hậu hĩnh.

Không phải ai cũng nhàn nhã như Mio. Nhiều cô gái bị lợi dụng lừa vào nghề vì tâm lý đang bất ổn, sau đó có thể bị đánh đập hoặc cưỡng hiếp. Còn xã hội thì cho rằng lỗi luôn ở những nữ sinh đó. Giáo sư Muta cho biết đa số thường đưa ra giải pháp như lệnh giới nghiêm cho nữ sinh, mà chẳng hề nhắc tới những khách hàng kia.

Còn Tachibana cho rằng chắc chắn các luật đó không hiệu quả, vì nó sẽ chỉ càng làm việc kinh doanh thân xác giấu mình tinh vi hơn và khiến nữ sinh gặp nguy hiểm nhiều hơn.

Theo Washington Post/Danviet