Bé 2 tuổi sống thực vật suốt đời vì hóc hạt nhãn, lời cảnh tỉnh cho cha mẹ

Trong lúc vừa chơi đùa vừa ăn nhãn, bé trai 2 tuổi đã không may bị hóc hạt nhãn. Do xử trí không kịp thời nên bé đã rơi vào hôn mê sâu, tổn thương não.

Thông tin về việc một bé trai 2 tuổi tên M. sống tại Nam Định bị hóc hạt nhãn dẫn tới hôn mê sâu và hiện phải sống thực vật khiến không ít các bậc làm cha, làm mẹ giật mình.

Theo đó, bé M. được gia đình đưa đến bệnh biện Nhi Trung ương trong tình trạng phù phổi cấp, có biểu hiện ngừng tim. Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi mở khoang miệng bé, hạt nhãn vẫn còn nằm ở nắp thanh môn.

Cũng theo bác sĩ Toàn: “Do xử trí cấp cứu ban đầu không đúng cách nên khi đến viện trẻ đã hôn mê sâu, não bị tổn thương không hồi phục do thiếu ôxy. Trường hợp này rất đáng tiếc vì bé sẽ phải sống thực vật suốt đời".

Bé 2 tuổi sống thực vật suốt đời vì hóc hạt nhãn, lời cảnh tỉnh cho cha mẹ

Cha mẹ cần nắm vững các bước sơ cứu để kịp thời xử trí hóc dị vật cho trẻ ngay tại nhà. Ảnh: http://phunuonline.com.vn

Theo lời gia đình bé M. tai nạn xảy ra vào khoảng 4h30 chiều ngày 22/7, khi cháu bé đi học về được người thân cho ăn nhãn cả quả nhưng không bóc bỏ hạt. Trong lúc ăn, bé M vẫn chơi đùa nên không may bị hóc.

Ngay lập tức, gia đình đã sơ cứu, chuyển lên bệnh viện huyện, được đặt nội khí quản và chuyển lên bệnh viện tỉnh rồi được đưa xuống bệnh viện Nhi Trung ương.

Cũng trong ngày 24/7, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhi khác bị hóc hạt chôm chôm, vào viện đã ngừng tim 10 phút. Hay như trước đó 1 tháng, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân người Úc 2 tuổi khi đang chơi ở nhà với đồ chơi là các đồ vật nhỏ thì bị hóc dị vật. Tuy nhiên, bệnh nhân không biểu hiện không rõ hội chứng xâm nhập.

Một thời gian sau bệnh nhân liên tục ho, khò khè, viêm phổi đi viêm phổi lại vào lần. Khi vào viện khám, bác sĩ nghi ngờ có hóc dị vật và đã nội soi, gắp ra được hạt ngô ngay nắp thanh môn của bệnh nhân.

Bác sĩ Toàn cho biết, các ca hóc dị vật do hạt ngô, lạc, nhãn... rất phổ biến. Việc xử trí cấp cứu đúng trong vài phút đầu có thể cứu sống bệnh nhân, đặc biệt khi dị vật kẹt ở đường thở. Nếu để muộn hoặc sơ cứu không đúng, não thiếu ôxy thì dù có cứu sống bệnh nhân cũng để lại di chứng suốt đời.

Bé 2 tuổi sống thực vật suốt đời vì hóc hạt nhãn, lời cảnh tỉnh cho cha mẹ

Cách xử trí khi trẻ bị hóc dị vật. Ảnh: http://www.vnmedia.vn 

Khi trẻ hóc dị vật, nếu còn tỉnh táo, ho được thì cần khuyến khích bé ho, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp trẻ không ho được hoặc ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực, mở thông đường thở, ép tim cấp cứu nếu bé không thở được. Với bé còn nhỏ, sơ cứu bằng cách đặt bé lên cánh tay ở tư thế đầu chúi xuống, sau đó vỗ lưng 5 lần để ra dị vật. Nếu không được, lật ngược trẻ lại rồi ấn tại vị trí ép ngực. Với trẻ lớn hơn, có thể đặt lên ghế và làm tương tự.

Trước trường hợp đáng tiếc trên, bác sĩ Toàn cũng khuyến cáo, cha mẹ cần quản lý con khi dùng đồ ăn uống, bột, sữa, thạch, các loại quả như nhãn, chôm... Không nên ép con ăn lúc đang khóc hoặc cười vì rất dễ bị sặc. Nếu trẻ nuốt phải dị vật nhọn thì nên đưa đi cấp cứu ngay, tránh móc họng bé sẽ khiến dị vật càng mắc sâu hơn.

Người lớn cần biết thủ thuật để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở của trẻ. Nguyên tắc là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào hai buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, đẩy dị vật ra ngoài. Cách làm này có hiệu quả rất tốt với những dị vật choán gần hết đường thở và dễ di chuyển như viên bi, kẹo... 

Theo VietQ