Bật mí về phiên tòa phúc thẩm vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên

Theo luật sư, trường hợp bà Thảo rút đơn khởi kiện và được ông Vũ đồng ý trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Mới đây, TAND TP.HCM đã nhận được đơn kháng cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) về bản án ly hôn sơ thẩm tuyên hôm 27/3.

Theo đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nộp đơn hôm 5/4, kháng cáo toàn bộ bản án. Trong đó, về quan hệ hôn nhân bà xin được đoàn tụ với ông Vũ; không đồng ý quan điểm của tòa về việc chia tài sản theo tỷ lệ 6/4 và giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ. Trong khi đó ông Vũ kháng cáo yêu cầu chia các tài sản tranh chấp theo tỷ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30% như quan điểm trình bày ở tòa.

bat-mi-ve-phien-toa-phuc-tham-vo-chong-vua-ca-phe-trung-nguyen

Bà Thảo kháng cáo, mong muốn được đoàn tụ với ông Vũ. Ảnh: Zing.vn

Trước những nội dung kháng cáo của vợ chồng “vua cà phê”, ​thạc sỹ - luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, căn cứ quy định của Điều 283 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, nếu việc kháng cáo là hợp lệ thì Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến tòa án cấp phúc thẩm khi hết thời hạn kháng nghị, kháng cáo.

Theo đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM sẽ thụ lý, giải quyết vụ án trên theo trình tự, thủ tục phúc thẩm.

​Theo quy định tại Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có các quyền sau đây: giữ nguyên bản án sơ thẩm; sửa bản án sơ thẩm; hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm; hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án hoặc đình chỉ xét xử phúc thẩm…

Tùy vào việc nghiên cứu, xem xét toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cùng diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm thì Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM sẽ có quyền giữ nguyên bản án sơ thẩm; sửa bản án sơ thẩm; hủy bản án sơ thẩm… như các trường hợp nêu trên.

Trường hợp bà Thảo rút đơn khởi kiện và được ông Vũ đồng ý trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm thì căn cứ điểm b khoản 1 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Như vậy, khi này về mặt pháp lý thì quan hệ hôn nhân và mọi quyền lợi nghĩa vụ hợp pháp của ông Vũ và bà Thảo vẫn được giữ nguyên.

Trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông Vũ, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chia tỷ lệ tài sản 70/30 thì về phần án phí, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ xác định lại nghĩa vụ của các đương sự.

​Theo đó, việc tính mức án phí sơ thẩm vẫn căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 27 và danh mục án phí, lệ phí của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, về tranh chấp hôn nhân gia đình có giá ngạch thì với phần giá trị tài sản lớn hơn 4 tỷ đồng, mức án phí được tính là 112.000.000 đồng 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng. Tuy nhiên về phần giá trị tài sản của các đương sự sẽ có sự thay đổi, dẫn đến án phí của các bên sẽ thay đổi.

Trước đó, án phí sơ thẩm trong vụ tranh chấp ly hôn nghìn tỉ giữa ông Vũ và bà Thảo lên tới gần 8 tỉ đồng. Trong đó, bà Thảo phải nộp án phí tài sản là hơn 3 tỉ đồng, ông Vũ nộp án phí tài sản hơn 4,7 tỉ đồng.

Trong phần tuyên án chiều 27.3, HĐXX tuyên nhầm án phí tài sản bà Thảo phải nộp là hơn 33,7 tỉ đồng, án phí tài sản ông Vũ phải nộp là hơn 48,7 tỉ đồng. Sau đó, chủ tọa phiên tòa - ông Nguyễn Văn Xuân phải đính chính lại.

Theo GiaDinh