Bão số 4 mạnh thêm và di chuyển nhanh, nhiều tỉnh gấp rút cấm biển

Sau khi đi vào vịnh Bắc Bộ, bão số 4 đang tiếp tục mạnh lên và di chuyển nhanh hơn. Nhiều tỉnh ven biển đã ra lệnh cấm biển để đảm bảo an toàn.

Bão số 4 mạnh thêm và di chuyển nhanh, nhiều tỉnh gấp rút cấm biển

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 4 – BEBINCA. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.

Bão số 4 sắp mạnh lên cấp 10, gió giật cấp 12

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ sáng nay (16/7), tâm bão số 4 – BEBINCA đang ở ngay trên đảo Bạch Long Vĩ, cách Móng Cái 180km, cách Nam Định 180km, cách Vinh 290km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đang ở cuối cấp 9, đầu cấp 10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.  

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Như vậy, khoảng đêm nay (16/8), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Đến 10 giờ ngày 17/8, vị trí tâm bão ở ngay trên đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Bắc Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Từ tối nay, trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10; riêng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Do hoàn lưu bão rộng, từ hôm nay (16/8) đến ngày 18/8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to (400-500mm/đợt). Hà Nội có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt).

Lũ trên các sông ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ lên cao. Nguy cơ rất xảy ra sạt lở đất và lũ quét, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An.

Nhiều tỉnh gấp rút cấm biển, kêu gọi tàu thuyền vào bờ

Để chủ động ứng phó với bão số 4, các địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An đang gấp rút triển khai các phương án phòng chống, kiểm đếm và kêu gọi các tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn.

Bão số 4 mạnh thêm và di chuyển nhanh, nhiều tỉnh gấp rút cấm biển

Nhiều tỉnh đã cấm biển và kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú. Ảnh Báo Quảng Ninh.

Tại Quảng Ninh, ngay trong sáng ngày 15/8, ông Ngô Hoàng Ngân, Bí thư Thành ủy Móng Cái đã trực tiếp kiểm tra, rà soát thực địa khu vực cầu, cảng, nơi neo đậu tàu thuyền trên địa bàn thành phố Móng Cái. Hiện có 1.296 tàu thuyền khai thác thủy sản; 650 tàu đò hoạt động vận tải trên sông Ka Long, Bắc Luân đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải có chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ; thông báo lịch trình xả lũ để thống nhất toàn bộ phương án cảnh báo, hướng dẫn, ứng phó hỗ trợ đảm bảo an toàn cầu phao, tàu thuyền và các công trình phía hạ du.

Bão số 4 mạnh thêm và di chuyển nhanh, nhiều tỉnh gấp rút cấm biển

Ông Ngô Hoàng Ngân, Bí thư Thành ủy Móng Cái kiểm tra an toàn cầu phao km 3+4. Ảnh Báo Quảng Ninh

Tại Nam Định, theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, tỉnh có trên 2.100 tàu thuyền với khoảng hơn 5.700 lao động khai thác thủy hải sản trên biển và trên 16.000 ha nuôi trồng thủy sản. Ở khu vực ven biển của tỉnh có hơn 1.000 lều, chòi với gần 1.300 lao động nuôi ngao.

Địa phương này đã cấm biển từ 5h sáng nay (16/8); kiên quyết di dời dân ở các vùng nguy hiểm vào khu vực an toàn trước 13h chiều 16/8. Hiện, hơn 2.000 tàu bè đã vào bờ neo đậu an toàn, hiện chỉ còn một vài tàu đang vào bờ neo đậu.

Ông Nguyễn Doãn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện đã bắt đầu có mưa nhỏ, gió nhẹ. 

Trong chiều 15/8, Phó chủ tịch tỉnh cùng lãnh đạo sở Nông nghiệp đã đi xuống các huyện Trực Ninh, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng kiểm tra công tác phòng chống lụt bão; kiểm tra các tuyến đê xung yếu, các khu vực có nguy cơ sạt lở, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác ứng phó, giúp dân chằng chéo nhà cửa.

Tại Thái Bình, tỉnh này đã yêu cầu kêu gọi, hướng dẫn tàu thuỵền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú an toàn và đã nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 12h ngày 15/8.

Di dời người và tài sản ở các khu vực bồi, bãi thấp ven sông, ven biển thuộc các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Quỳnh Phụ để đề phòng nước dâng do bão. Các công việc này phải hoàn thành trước 14h ngày 16/8.

Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tạm dừng các cuộc họp và các hoạt động chưa thật cần thiết để ứng phó với bão.

Tại Hải Phòng, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh cho hay, tỉnh đã ra lệnh cấm biển bắt đầu từ 12h trưa nay (16/8) và việc di dời dân tại các địa bàn xung yếu, có nguy cơ mất an toàn cũng sẽ đảm bảo hoàn thành trước 12h trưa nay.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã kiểm đếm, thông báo cho trên 3.000 phương tiện với gần 12.000 lao động, cùng hàng trăm lồng bè đang hoạt động trên biển các phương án chủ động phòng tránh bão. Đến 7h sáng nay, gần như toàn bộ các phương tiện đã vào nơi trú tránh.

Theo DanViet