Bản tin đặc biệt ngày thứ 90 chiến đấu với "kẻ thù vô hình" ở Việt Nam

Kể từ ngày đầu tiên xuất hiện bệnh nhân, đến sáng 21/4, Việt Nam bước sang ngày thứ 90 chiến đấu với kẻ thù vô hình - đại dịch COVID-19.
 
Bản tin tình hình dịch COVID-19 sáng 21/4 do Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch phát định kỳ lúc 6h sáng hằng ngày cho thấy, kể từ 6h sáng 16/4 đến nay, ngày thứ 5 liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới.

Tính từ ngày công bố bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại TP HCM (ngày 23/1 ở TP HCM), bước vào cuộc chiến chống dịch, đến nay, sau 90 ngày, chúng ta có 268 bệnh nhân.

Đây là lần thứ 2, chúng ta có "khoảng lặng" không ghi nhận ca mắc mới. Trước đó, từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 (bắt đầu từ ngày 7/3), chúng ta có tới khoảng 25 ngày không có ca mắc mới. 

Ngày 20/4, có thêm 12 bệnh nhân ở 4 cơ sở y tế trên cả nước khỏi bệnh, nâng tổng số người bình phục ở nước ta lên 214 người (chiếm 80%). Hiện Việt Nam còn 54 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị ở 9 cơ sở y tế, 21 người trong số đó đã âm tính lần 1, 7 người âm tính lần 2 trở lên.

ban-tin-dac-biet-ngay-thu-90-chien-dau-voi-ke-thu-vo-hinh-o-viet-nam

Nguồn: Bộ Y tế

Tình hình bệnh nhân nặng đã có nhiều tín hiệu khả quan. Bác gái của bệnh nhân 17 hiện vẫn thở máy. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc và giao tiếp được, dừng an thần.

Bệnh nhân 91 (phi công người Anh) hiện nằm yên dùng an thần, không sốt, thở máy, có nhịp tự thở. Bệnh nhân đã ngưng vận mạch, không chảy máu mũi miệng.

Bệnh nhân 161 (88 tuổi, quê Hưng Yên, bị xuất huyết não, liệt nửa người) hiện thở máy. Từ 2 hôm trước, các bác sĩ tiếp tục cho bệnh tập thở PSV (thông khí nhân tạo hỗ trợ áp lực, chỉ định được cho bệnh nhân có tình trạng hô hấp đã cải thiện nhưng chưa bỏ được thở máy), cơ lực còn yếu.

Bệnh nhân giao tiếp chậm khi gọi, hỏi; đỡ phù vùng cánh tay trái, mí mắt. Cụ bà này đã đỡ sốt, chức năng thận bình thường.

Sau hơn 20 ngày thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt giãn cách xã hội (tính từ ngày 1/4) liên tiếp 4 ngày qua, cả nước không ghi nhận người mắc mới COVID-19. 6 ngày qua, Hà Nội không ghi nhận người mắc mới; còn TP.HCM là 17 ngày.

Có thể nói, dịch COVID-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt và cho thấy hiệu quả của việc thực hiện giãn cách xã hội trong hơn 3 tuần qua.

ban-tin-dac-biet-ngay-thu-90-chien-dau-voi-ke-thu-vo-hinh-o-viet-nam

Nguồn: Bộ Y tế

Tại cuộc họp 2 lần/tuần của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 chiều 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn.

Tuy nhiên, do dịch đã lây lan ra cộng đồng, khả năng lây nhiễm vẫn còn cao nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào.

Thủ tướng lưu ý, mỗi người dân và chính quyền các địa phương không được chủ quan, lơ là dù so với cách đây gần 3 tháng, thì hiện nay, đại bộ phận người dân đã có ý thức phòng dịch hơn, năng lực ứng phó của ngành y tế đã có thể đáp ứng được trong tình huống xấu nhất.

Ông khẳng định cần phải từng bước nới lỏng giãn cách xã hội nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4 cho đến khi có chỉ đạo mới, dự kiến sẽ được đưa ra trong cuộc họp ngày 22/4 (thứ 4 tới đây).

Tại cuộc họp tới, các nhóm địa phương nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp cũng sẽ được xem xét để điều chỉnh. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia báo cáo Thủ tướng về các nhóm nguy cơ này tại cuộc họp 22/4 để "chốt" lại. Nếu tình hình an toàn thì nhiều địa phương có thể được hạ thấp nguy cơ.

"Từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, các biện pháp như đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung đông người khi không thật sự cần thiết, rửa tay thường xuyên… vẫn phải tiếp tục thực hiện.

Võ Thu

Theo GiaDinh

-----

Xem thêm:

+Lại xuất hiện bệnh nhân 'siêu lây nhiễm' tại Trung Quốc khiến 50 người mắc bệnh, thành phố 10 triệu dân có nguy cơ phong tỏa

+Những mặt hàng kỳ lạ mà người Mỹ dự trữ cho đại dịch

+WHO cảnh báo đừng trông chờ vào văcxin COVID-19, vì sao?

----