Bán tăm bông ngày thu bạc triệu và 'kỹ nghệ ăn xin' siêu lợi nhuận ở Thủ đô

Thời gian vừa qua, trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội xuất hiện những em nhỏ, người già “đội” nắng, mưa đứng bán kẹo cao su, tăm bông ở các ngã tư đường, ròng rã suốt ngày này sang tháng khác.

Trong những bộ quần áo lấm lem, khuôn mặt khắc khổ cùng vài câu tỉ tê hoàn cảnh, những người bán hàng rong dễ dàng lấy sự thương cảm của nhiều người. Thông thường tại mỗi góc đèn giao thông sẽ có từ 2-3 người: 1 trẻ, 1 già hoặc cả một nhóm trẻ nhỏ đứng bán kẹo.

Điểm chung của nhóm người này là ăn mặc rách rưới, đầu trần, chân đất. Họ ngồi lê lết bên đường bất kể nắng mưa, lạy lục mua hàng hoặc giả vờ đau ốm, bệnh tật.

Tuy nhiên đằng sau những ảnh thương tâm này lại là những đường dây tổ chức chăn dắt chuyên nghiệp, với thu nhập “siêu khủng”.

Sau hơn 1 tháng, theo dõi tình trạng ăn xin tại hàng loạt khu vực ở Hà Nội như: Cầu Giấy, Mỹ Đình, Ngã tư Sở…, phóng viên báo Dân trí phát hiện được các thủ đoạn tinh vi, tổ chức bài bản của nhóm đối tượng này.

Không ít lần, khi nhóm phóng viên đeo bám các đối tượng giả ăn xin trong bộ dạng bán hàng rong, tăm bông bị phát hiện, các đối tượng ra “dấu” cho đồng bọn, lên xe tẩu thoát.

ban-tam-bong-ngay-thu-bac-trieu-va-ky-nghe-an-xin-sieu-loi-nhuan-o-thu-do
 
ban-tam-bong-ngay-thu-bac-trieu-va-ky-nghe-an-xin-sieu-loi-nhuan-o-thu-do
 

Đầu sáng một ngày cuối tháng 12/2019, tại ngã tư đường gần khu vực Mỹ Đình xuất hiện một người phụ nữ cùng bé trai bộ dạng thảm hại, lê lết vỉa hè vừa bán kẹo, vừa xin tiền. Mỗi khi đèn đỏ bật, bé trai trong chiếc áo đồng phục màu xanh, cầm giỏ nhựa đựng dăm ba chiếc kẹo cao su, tăm bông, tập tễnh len lỏi giữa dòng xe cộ mời chào người mua. Cứ 7 người được cậu bé mời, thì khoảng 3 người rút hầu bao cho tiền. Trong khi bé trai đi bán hàng, người phụ nữ ngồi bên vỉa hè, để chiếc mũ vải trước mặt xin tiền lẻ.

Đến 12 giờ trưa, người phụ nữ và bé trai sang bên kia đường, lên xe máy của một người đàn ông trung niên, biển hiệu Thanh Hóa 36F6 06XX, về khu nhà trọ tại khu vực Phú Mỹ (Mỹ Đình, Hà Nội). Trái ngược với khuôn mặt khắc khổ, dáng vẻ ủ rũ, mệt mỏi như bị bệnh, người phụ nữ ăn xin lúc nãy, “thoắt” cái trở nên khỏe mạnh, tác phong nhanh nhẹn như người bình thường.

Trước khi về phòng trọ, họ dừng lại ở quán tạp hóa mua đồ ăn. Người phụ nữ cầm bọc tiền đựng trong chiếc túi vải nâu, bỏ ra đếm và vuốt những tờ tiền lẻ rồi cười nói rôm rả với người đàn ông.

Phát hiện ống kính của phóng viên Dân trí, cả 3 lập tức lên xe máy “rồ ga” bỏ chạy, mất hút trong những con ngõ nhỏ, không quên để lại vài câu chửi tục tĩu.

ban-tam-bong-ngay-thu-bac-trieu-va-ky-nghe-an-xin-sieu-loi-nhuan-o-thu-do

Cùng thời điểm đó, tại khu vực Ngã Tư Sở (Hà Nội) cứ khoảng 10 giờ sáng, một chiếc xe máy biển hiệu Thanh Hóa 36B3 279XX, lại chở một bé trai khoảng 12 tuổi đến con ngõ trong đường Thanh Xuân. Khi chiếc xe máy lao vút đi, cậu bé mới thất thểu đi bộ ra khu vực ngã tư chờ đèn đỏ đứng bán hàng. Lịch trình một ngày “làm việc” của bé trai này thường được chia làm 2 ca: từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều và từ 17 giờ đến 20 giờ tối.

Nói là bán hàng rong, nhưng rất ít người mua hàng mà chủ yếu là rút tiền lẻ, đặt luôn vào chiếc giỏ nhựa đeo trước ngực của cậu bé. Trong khi bé trai đứng bán hàng, người “xe ôm” thường chọn vị trí góc khuất, đứng quan sát. Nếu phát hiện cậu bé “diễn” chưa nhiệt tình, lập tức người này sẽ ra “dấu” để chấn chỉnh hoặc chở đến địa điểm khác để bán hàng.

Bám sát lịch trình của nhóm người này, nhóm phóng viên phát hiện, ngoài bé trai bán hàng rong, người “xe ôm” trên còn thường xuyên đưa đón một cụ ông khoảng 70 tuổi cũng đứng ăn xin tại khu vực này. Cứ hết một ca làm việc, cụ ông sẽ chọn góc khuất, rút điện thoại gọi cho người đến đón.

ban-tam-bong-ngay-thu-bac-trieu-va-ky-nghe-an-xin-sieu-loi-nhuan-o-thu-do
 
ban-tam-bong-ngay-thu-bac-trieu-va-ky-nghe-an-xin-sieu-loi-nhuan-o-thu-do
 

Tiếp cận bé trai bán hàng rong tại khu vực Ngã tư Sở, cậu bé cho biết tên là Tạ Đức Minh, 12 tuổi, quê Thanh Hóa. Minh được thuê để bán kẹo, cao su với tiền lương 3 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này sẽ được “người chủ” trả trực tiếp cho bố mẹ cậu bé ở quê còn em không được phép cầm tiền. Tiền hàng bán mỗi ngày và được người đi đường cho, Minh phải nộp lại toàn bộ cho người chủ không thiếu một đồng.

Hàng ngày dù trời mưa, hay nắng, rét buốt hay nóng nực, Minh cũng phải theo người chủ đến các địa điểm chỉ định sẵn để bán hàng. “Định mức” của cậu bé không phụ thuộc vào việc bán được nhiều hàng không mà ngày hôm đó thu nhập thế nào.

Ai thuê em đi bán hàng như thế này?

Cậu em…

Cậu là em trai của mẹ em à?

(Ngập ngừng) khẽ lắc đầu.

Là ông chủ của em à?

Vâng (lý nhí).

Một ngày em bán được bao nhiều tiền kẹo cao su?

Em không được đếm tiền,“cậu” không cho em đếm. Mỗi lần ra khỏi nhà trọ,“cậu” đưa em một giỏ kẹo, bán hết thì “cậu” đến đón về. Tiền “cậu” lục túi lấy hết, em không được phép cầm dù chỉ một nghìn. Nhiều hôm mọi người thương em, cho em tiền nhưng em về cũng phải nộp lại hết.

Sao em không đi học mà lại đi bán kẹo cao su?

Nhà em không có tiền. Bố mẹ em chỉ đi làm thuê. Em học đến lớp 7 thì ra Hà Nội đi làm cho “cậu”.

Em có thích đi bán kẹo không?

Em không... Bán kẹo cực lắm. Ngày nào “cậu” cũng chở em đi từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Hôm nào mệt muốn nghỉ ở nhà, “cậu” cũng không cho. “Cậu” bảo, đã trả lương rồi thì phải đi làm.

ban-tam-bong-ngay-thu-bac-trieu-va-ky-nghe-an-xin-sieu-loi-nhuan-o-thu-do

Người “cậu” mà Minh nhắc đến thực chất là “ông chủ” thuê em đi bán kẹo. Những đứa trẻ trong đường dây ăn xin như Minh thường được dặn phải nhận họ hàng, là cháu của những đối tượng “bảo kê” để tránh trách nhiệm khi bị công an “sờ gáy”, phát hiện.

ban-tam-bong-ngay-thu-bac-trieu-va-ky-nghe-an-xin-sieu-loi-nhuan-o-thu-do

Trong nhận thức non nớt của mình, Minh không hề biết việc làm của mình là sai trái và đang bị lợi dụng, bóc lột sức lao động để kiếm tiền cho những đối tượng chăn dắt chuyên nghiệp. Số tiền hàng tháng mà Minh được trả thực chất chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lợi nhuận mà nhóm đối tượng này thu được.

ban-tam-bong-ngay-thu-bac-trieu-va-ky-nghe-an-xin-sieu-loi-nhuan-o-thu-do

“Ăn xin bây giờ là một nghề, đứng đằng sau những người ăn xin phần lớn là có một nhóm người bảo kê, chăn dắt”, anh Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1986, đội trưởng Đội trật tự xã hội lưu động, Trung tâm bảo trợ XH 1 Đông Anh, Hà Nội) nói.

Mỗi năm Đội trật tự Xã hội ở trung tâm của anh Hải tập trung, tiếp nhận từ 550 – 600 lượt người lang thang, xin tiền trên địa bàn 14 Quận, huyện của Hà Nội do Trung tâm được giao. Bình quân mỗi tháng khoảng 40-50 lượt người.

Hầu hết các đối tượng bị các nhóm người bảo kê lợi dụng là những trẻ em, người già, người khuyết tật… đến từ các vùng quê nghèo, với nhận thức hạn chế. Mỗi tháng, những người bán hàng rong sẽ được các “ông chủ” trong đường dây trả tiền từ 1,5 triệu – 3 triệu để đứng bán hàng ở các ngã tư đường. Khi gia nhập vào đường dây, họ sẽ được “ông chủ” đào tạo “kỹ năng” bán hàng, mời chào người mua thậm chí cả việc “diễn” sao cho thương tâm nhất.

Với chiêu thức tinh vi này, mỗi một người bán hàng rong, một ngày có thể kiếm được từ 1 cho đến 2 triệu đồng. Tính ra, một nhóm người trong đường dây chăn dắt có thể mang đến cả trăm triệu mỗi tháng cho ông chủ.

Là công việc “siêu lợi nhuận”, nên việc thu gom, tập trung các đối tượng này vào trung tâm theo anh Hải là “vô cùng khó khăn”.

ban-tam-bong-ngay-thu-bac-trieu-va-ky-nghe-an-xin-sieu-loi-nhuan-o-thu-do

“Các đối tượng bảo kê rất ít ra mặt. Họ thường thuê những người xe ôm, dân xã hội đen cản trở, đe dọa lực lượng chức năng. Có thời điểm, nhóm người này còn phân công người hàng ngày sang khu vực cổng trung tâm để theo dõi hoạt động xe ô tô, chỉ cần thấy xe ô tô đi ra khỏi cổng là bám theo, khi thấy xe trung tâm đến khu vực nào là lập tức gọi điện cho đồng bọn tẩu thoát.”, anh Hải kể.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lưu - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 cho hay, cái khó của việc giải quyết triệt để nạn ăn xin, lang thang trên địa bàn thành phố là thiếu cơ chế để xử lý. “Thường họ chỉ bị tập trung từ 1- 4 tháng tại trung tâm để tuyên truyền, chịu sự quản lý rồi sau đó lại được ra. Có những người là “khách quen”, vào ra trung tâm đến 3-4 lần vì cứ hết đợt tập trung lại trở về con đường đi ăn xin”, ông Lưu nói.

Cho tiền người ăn xin, mua hàng ủng hộ trẻ em nghèo… xuất phát từ mong muốn sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, lòng tốt này của nhiều người lại vô tình đẩy những người già, trẻ nhỏ trở thành công cụ kiếm tiền cho những đối tượng bảo kê, chăn dắt.

Theo Dân Trí