Ảnh hưởng từ mưa đá, giá thực phẩm "lên trời" sau Tết Nguyên đán

Nếu người tiêu dùng chỉ chi trả khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kg cà chua nói riêng và các mặt hàng thực phẩm xanh nói chung, thì sau Tết Nguyên đán, giá mặt hàng này đã lên đến 60.000 đồng/kg.

Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội cho thấy, bắt đầu từ ngày mồng 5 (tức ngày 29/1), chợ truyền thống và một số siêu thị đã mở cửa trở lại phục vụ người dân.

Sau ngày dài nghỉ Tết Nguyên đán, những mặt hàng thực phẩm như rau xanh rất hút khách. Vì vậy, giá cả cũng có xu hướng nhích tăng.

Có mặt tại chợ Thành Công để mua thực phẩm xanh, bà Nguyễn Thị Mai (ở Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) không khỏi choáng váng khi nghe đến giá rau xanh.

anh-huong-tu-mua-da-gia-thuc-pham-len-troi-sau-tet-nguyen-dan

Do khan hiếm nguồn cung nên giá rau xanh sau Tết Nguyên đán tăng cao.

Bà Mai cho biết: "Một bó rau muống tôi phải mua là 20.000 đồng, trong khi rau muống đang trái vụ và giá trong Tết chỉ chưa đầy 10.000 đồng/bó. Súp lơ tôi mua là 25.000 đồng cây, giá này là ngang bằng với súp lơ bán ở siêu thị Vinmart. Năm nào cũng tăng giá bởi sau Tết, nhu cầu rau xanh tăng cao nhưng tôi không ngờ, giá rau năm nay lại tăng đột ngột đến như vậy".

Bà Trần Thị Lý, tiểu thương chợ tại Thành Công cho biết, so với thời điểm trước Tết, các mặt hàng rau, củ, quả và thực phẩm tươi sống mới đều tăng giá. Giá các mặt hàng tăng từ 5.000 – 20.000 đồng.

anh-huong-tu-mua-da-gia-thuc-pham-len-troi-sau-tet-nguyen-dan

Thời điểm trong Tết, rau xà lách chỉ có giá từ 23.000 - 25.000 đồng/kg, tuy nhiên, sau Tết, mặt hàng này đã lên đến 40.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại chợ Thành Công, rau muống đang được các tiểu thương bán với giá 20.000 đồng/bó, tăng khoảng 10.000 đồng/bó so với trước Tết. Rau ngót có giá là 15.000 đồng/bó, tăng khoảng 8.000 đồng/bó. Đậu xanh có giá là 4.000 đồng/bìa, trong khi trước Tết, mặt hàng này chỉ 2.000 đồng/bìa. Súp lơ là 25.000 đồng/cây; đỗ xanh có giá là 40.000 đồng/kg.

Mặc dù giá các mặt hàng thực phẩm được bán tại chợ Thành Công tăng từ 10.000 – 20.000 đồng/kg nhưng tại chợ Đại Từ, giá các mặt hàng lại tăng cao hơn.

Đơn cử như cà chua có giá bán là 50.000 – 60.000 đồng/kg tùy mã xấu – đẹp, trong khi trước Tết, cà chua chỉ có giá dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg. Rau cần có giá bán là 20.000 đồng/kg, súp lơ là 30.000 – 35.000 đồng/cây.

anh-huong-tu-mua-da-gia-thuc-pham-len-troi-sau-tet-nguyen-dan

Quầy hàng của bà Lý tại chợ Thành Công.

Không chỉ các mặt hàng thực phẩm xanh tăng giá mà các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng "leo thang".

Cũng tại chợ Thành Công, cá trắm nước ngọt được tiểu thương bán ra với giá 100.000 – 120.000 đồng/kg, tùy trọng lượng to bé, trong khi ở thời điểm trước Tết, mặt hàng này chỉ có giá dao động từ 80.000 – 85.000 đồng/kg.

Lý giải về nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng cao, bà Phạm Thị Hồng, tiểu thương cho biết: "Sự ảnh hưởng của cơn mưa đá vào những ngày đầu năm, khiến nguồn cung khan hiếm, cộng thêm tâm lý nghỉ Tết của các đầu mối cung cấp, nên giá cả thực phẩm trong những ngày đầu năm mới tăng nhưng không tăng theo một mức giá chung nào".

anh-huong-tu-mua-da-gia-thuc-pham-len-troi-sau-tet-nguyen-dan

Nếu người tiêu dùng chỉ chi trả khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kg cà chua nói riêng và các mặt hàng thực phẩm xanh nói chung, thì sau Tết Nguyên đán, giá mặt hàng này đã lên đến 60.000 đồng/kg.

Bà Hoàng Thị Mai, tiểu thương quầy thực phẩm tươi sống tại chợ Thành Công cho biết, thịt mông sấn có giá là 250.000 đồng/kg, thịt giò là 180.000 đồng/kg.

"Nói chung, dù là thực phẩm tươi sống mới giết mổ nhưng tiêu thụ quá chậm, quá ít, có thể vì cao quá mà tiêu thụ chậm, hơn nữa, dịp Tết, nhà nào cũng giết mổ và tích trữ thịt đông lạnh nên thời điểm này, chúng tôi rất khó tiêu thụ hàng", bà Mai cho hay.

Trong khi đó, tại các siêu thị, hầu hết các mặt hàng đều giữ giá ổn định so với thời điểm trước Tết.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết: "Một trong những lý do mà các mặt hàng thực phẩm thiết yếu giữ giá là các đơn vị bán lẻ, siêu thị đều chủ động được nguồn cung từ trước Tết".

Chỉ trong một vài ngày tới, khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhịp sống trở lại thì nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng lên. Do vậy, nguồn cung hàng hóa cần được đáp ứng đầy đủ và kịp thời để tránh những biến động không đáng có của giá cả dịp đầu năm.

Theo Bộ Công Thương, tình hình thị trường ngày Mùng 4 và 5 Tết, nhiều siêu thị, cửa hàng đã mở cửa trở lại nhưng người dân vẫn chủ yếu là vui Xuân, đi chơi Tết nên sức mua chưa cao. Hoạt động mua bán hầu hết tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ các loại, hoa quả…

Giá các mặt hàng lương thực tương đối ổn định. Cụ thể, giá các loại gạo tẻ thường từ 12.000 - 13.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) từ 18.000 - 25.000 đồng/kg, gạo nếp 25.000 - 33.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng thực phẩm, tại các siêu thị, giá thực phẩm ổn định. Giá thịt lợn mông sấn 170.000 - 200.000 đồng/kg (miền Bắc), 130.000 - 140.000 đồng/kg (miền Nam), giá thịt lợn thăn 150.000 - 170.000 đồng/kg (miền Nam) 200.000 - 250.000 đồng/kg (miền Bắc); thịt bò thăn loại I từ 280.000 - 350.000 đồng/kg; giá gà ta lông 120.000 - 150.000 đồng/kg.

Riêng đối với các loại, rau, củ, quả, trái cây, nguồn cung về các chợ đã nhiều hơn, tuy nhiên vẫn ở mức giá cao so với ngày thường do thời tiết mưa rét tại các tỉnh phía Bắc.

Theo GiaDinh