Anh ch.ế.t, em đi tù, cha bị tai biến nặng sau khi trúng 13 tờ vé số độc đắc

Trúng 13 tờ vé số độc đắc không khiến cuộc đời anh Thức khá lên mà ngược lại, nó nhấn anh xuống vũng bùn bi kịch. Chính cái sự giàu bất ngờ ấy, kéo cả nhà anh vào cảnh người chết, kẻ đi tù.

Anh chết, em đi tù, cha bị tai biến nặng sau khi trúng 13 tờ vé số độc đắc

Trúng 13 tờ vé số độc đắc không khiến cuộc đời anh Thức khá lên mà ngược lại, nó nhấn anh xuống bi kịch. Cũng chính cái sự giàu bất ngờ ấy, kéo cả nhà anh vào bi kịch người chết, kẻ đi tù.

"Giá như đừng trúng số"!

Phải hỏi mấy lần, tôi mới tìm được đường vào nhà bà Nguyễn Thị Lành (SN 1956, ngụ ấp Thuận Thới, xã Thuận An, TX Bình Minh, Vĩnh Long). Con đường thực ra là một lối mòn vừa lọt một người đi bộ, lổn nhổn rác thải xây dựng, gồ ghề, ngoằn ngòeo len lỏi qua um tùm cỏ dại giữa mấy khu mộ.

anh-ch-e-t-em-di-tu-cha-bi-tai-bien-nang-sau-khi-trung-13-to-ve-so-doc-dac
Con đường mòn đi vào nhà bà Lành len lỏi giữa các khu mộ (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nhà bà Ba Lành hiện ra, trơ trọi khu đất ngập nước, vườn cây mênh mông, gió cuối mùa thổi hun hút khiến không khí thê lương, ảm đạm. Bà Lành ngồi tựa vào bức tường loang lổ, cố nén một tiếng thở dài khi tôi nhắc tới sự kiện chấn động cả vùng thời đó. Sự kiện khiến gia đình bà từ chỗ nghèo khó, bỗng thành nhà giàu, rồi tán gia, bại sản chỉ trong một thời gian ngắn.

"Ngày xưa nhà tôi nghèo nhưng đâu có cùng quẫn, bi đát thế này. Hơn 60 năm cuộc đời, giờ nhìn lại, tôi chỉ ước giá thằng Thức đừng trúng vé số, thà nó đừng giàu, thì biết đâu, nay còn mẹ còn con, thằng Trường đâu phải chịu cảnh tù tội, còn tôi không phải chứng kiến cảnh nồi da xáo thịt". Tôi không rõ bà Ba Lành đang nói với tôi, hay đang "tổng kết" cuộc đời đầy biến cố của mình.

Thức là con trai bà Ba Lành, Trường là em trai của Thức. Thức thì đã thành người thiên cổ, chỉ còn di ảnh ám bụi trên bàn thờ tuềnh toàng. Còn Trường mới ra tù, sau khi chịu bản án 10 năm tù về tội "Giết người", mà nạn nhân chính là Thức.

19 năm trước, một buổi chiều đi làm về, Huỳnh Công Thức phấn khích thông báo với cả nhà vừa trúng 13 tờ vé số độc đắc, tổng số tiền 650 triệu đồng. Không dám tin vào số tiền lớn này, cả nhà tranh nhau dò kết quả xổ sổ rồi vỡ òa vì cái sự giàu bất ngờ ập tới.

Chuyện vui chẳng thể giấu được, cái tin Thức sắp trở thành triệu phú loang ra cả vùng. Suốt đêm cả nhà không ai ngủ được, như thể nếu nhắm mắt, nhỡ ra khi tỉnh dậy, hơn nửa tỷ đồng kia sẽ thành giấc mơ hụt. Mới sáng sớm, đoàn anh em họ hàng nội ngoại "hộ tống" Thức đi lĩnh thưởng. Để "chắc ăn" gia đình bà Lành còn nhờ thêm một người họ hàng là công an đi cùng.

anh-ch-e-t-em-di-tu-cha-bi-tai-bien-nang-sau-khi-trung-13-to-ve-so-doc-dac

Bàn thờ anh Thức với bình hoa khô, bụi phủ mịt mờ (Ảnh: Nguyễn Cường).

 

Lộc bất tận hưởng, Thức mở tiệc linh đình đãi bà con họ hàng, bạn bè. Những bữa rượu kéo dài cả tuần mới vãn. Có tiền, Thức liền mua một mảnh đất mặt tiền rộng hơn nghìn mét vuông với giá 12 cây vàng rồi xây một cái nhà bề thế. Số tiền còn lại anh tậu ruộng và biếu bà Lành 50 triệu đồng để sửa nhà.

Ông Huỳnh Văn Bé, cha của anh Thức cho biết: "Năm trước trúng số là năm sau nó cưới vợ, thêm năm nữa thì sinh được đứa cháu gái. Tôi cứ nghĩ nhà có phúc, nào ngờ kể từ đó nó thay tính đổi nết rồi cuối cùng nó chết, tôi mất đứa con", ông Bé ngậm ngùi.

Bi kịch

Những tưởng có tiền, Thức sẽ đầu tư làm ăn, vun vén cho gia đình. Thế nhưng có tiền, Thức lao vào ăn chơi, cờ bạc... đủ hết. Có tiền, Thức đã còn là chính bản thân mình khi trước, nhậu say về không vừa mắt là mắng đánh vợ con, đập phá nhà cửa, thậm chí đánh cả bố mẹ.

Hồi xưa nghèo mà vui, cha mẹ, anh em quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Nay, mọi thứ đảo lộn vì tiền, bữa cơm có khi phải dừng giữa chừng khi Thức nóng tính hất văng mọi thứ.

anh-ch-e-t-em-di-tu-cha-bi-tai-bien-nang-sau-khi-trung-13-to-ve-so-doc-dac

Bà Lành tâm sự, nếu con trai bà không trúng số chắc gia đình bà không buồn khổ đến thế (Ảnh: Nguyễn Cường).

 

Khi con gái chưa tròn một tuổi, vợ anh Thức không chịu được sự ngang tàng của chồng nên ôm quần áo bỏ về nhà ngoại, để lại con nhỏ cho gia đình bà Lành chăm sóc.

"Tiêu hết tiền, nó bán ruộng rồi bán nhà lấy tiền nhậu. Tiền nó cho tôi sửa nhà cũng đòi lại, không có trả nó dỡ hết mọi thứ trong nhà, cửa trước cửa sau nó cũng dỡ đem đi bán, ngang ngược không ai ngăn được. Chỉ sau vài ba năm là nó phá sạch không còn một thứ gì. Không còn nhà thì nó ra giữa vườn cất túp lều ở, nhưng cũng không chừa thói ăn nhậu và ngang ngược. Mỗi khi nhậu say, Thức vào nhà đập phá. Làm cha mẹ, chúng tôi đau xót vô cùng", bà Lành chua xót.

anh-ch-e-t-em-di-tu-cha-bi-tai-bien-nang-sau-khi-trung-13-to-ve-so-doc-dac

Ông Võ Minh Hoàng (em ruột bà Lành) là người trực tiếp đi lĩnh tiền trúng số cho anh Thức buồn rầu kể lại câu chuyện trúng số của gia đình (Ảnh: Nguyễn Cường).

 

Ông Võ Minh Hoàng (51 tuổi, em ruột bà Lành) là người trực tiếp đi lĩnh tiền trúng số cho Thức, mỗi khi nhắc lại câu chuyện về những tấm vé độc đắc ông lại chép miệng, ước gì nó chưa từng xuất hiện. "Hồi còn nghèo, thằng Thức ngoan ngoãn, tôi bảo gì nó cũng nghe. Thế nhưng khi có tiền thì nó khác, không còn coi ai ra gì. Mình là cậu, khuyên ngăn mà cháu không nghe, buồn lắm...", ông Hoàng nói.

Bi kịch khủng khiếp đối với bà Lành cũng đến. Một ngày giữa năm 2014, sau chầu nhậu thâu đêm suốt sáng, Thức khất khưởng trở về, lè nhè chê mẹ ở bẩn, không biết lau dọn nhà cửa sạch sẽ rồi tiện tay vớ ấm trà ném vào người bà Lành. Chưa hết, Thức còn lôi cô con gái đang ngủ dậy đánh một trận.

Chưa tỉnh ngủ, con bé như chết sững trước trận đòn tới tấp của người cha say rượu. Không chịu nổi anh trai ngang ngược, Huỳnh Nhựt Trường đã xông đến cãi cự dẫn tới anh em xô xát.

Được can ngăn, hai anh em mỗi người một đường bỏ đi nhậu. Khi trở về, Thức và Trường tiếp tục rượu vào lời ra, rồi động tay động chân. Chiếc tua vít trên tay Trường cứ nhè vào chỗ hiểm của anh trai mà đâm đến khi anh Thức đổ ập xuống trong tiếng thét thất thanh của bà Lành... Với tội "Giết người", Huỳnh Nhựt Trường bị tuyên phạt 10 năm tù.

Ngày xưa chỉ nghèo còn bây giờ thì khổ quá

Đứa chết, đứa tù tội, vợ chồng bà Lành phải bao bọc đứa cháu gái trong cảnh không nghề, không nghiệp, không ruộng vườn. Bao nhiêu năm qua, mỗi ngày vợ chồng bà Lành đi nhặt rau mướn cho người ta chỉ kiếm được đôi ba chục nghìn đồng. Số tiền ít ỏi đó phải chia ra đong gạo, đóng tiền học cho cháu, dành dụm để thăm nuôi Trường.

anh-ch-e-t-em-di-tu-cha-bi-tai-bien-nang-sau-khi-trung-13-to-ve-so-doc-dac

Ông Huỳnh Văn Bé, cha của anh Thức, sau biến cố xảy ra ông bị tai biến di chứng nặng nề lúc nhớ lúc quên (Ảnh: Nguyễn Cường).

 

Sau nhiều biến cố liên tiếp xảy ra, ông Huỳnh Văn Bé (71 tuổi, chồng của bà Lành) bị tai biến 2 lần, bị di chứng nặng nề, nhớ nhớ quên quên, cũng chả làm được gì. Cũng bởi chạy ăn từng bữa nên ngôi nhà mấy chục năm chưa sửa được, trống huơ trống hoác, đến cái cửa cũng chẳng có. "Nhà có cái gì đâu mà sợ trộm", giọng bà Lành chua xót.

Trường mang tội giết anh cũng vì thương cha mẹ, bà Lành đau đớn nhưng không dám trách con, cũng không thể bỏ rơi con. Dù không có tiền nhưng năm vài lần bà cũng cố gắng thu xếp đi thăm con. Mỗi lần bắt xe đò lên trại giam, đến bộ quần áo bà cũng phải chuẩn bị tươm tất để cho Trường thấy mà yên lòng, yên tâm cải tạo. Quà cáp cũng chẳng có gì ngoài đôi ba cái bánh. Hai mẹ con gặp nhau, khóc nhiều hơn là trò chuyện...

Nhờ cải tạo tốt, Huỳnh Nhựt Trường được xét giảm án nhiều lần. Dịp 30/4 vừa rồi, anh Trường được đặc xá, ra tù trước thời hạn ba năm rưỡi. Thế nhưng, hòa nhập với cuộc sống mới đối với anh không hề đơn giản. Hồi trước, Trường làm nghề cơ khí hàn xì và làm nhôm kính, nhưng nay, đi xin việc ở đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

anh-ch-e-t-em-di-tu-cha-bi-tai-bien-nang-sau-khi-trung-13-to-ve-so-doc-dac

Căn nhà tồi tàn của gia đình ông Bé (Ảnh: Nguyễn Cường).

 

"Mấy tháng trước thì tôi đi quanh nhà, ai thuê gì làm đó, ngày được 50 - 100 nghìn đồng. Giờ có đội bốc vác nhận cho vào làm, có hàng gì bốc hàng đó, có khi đi làm đến nửa đêm, 1-2 giờ sáng mới về. Mình cũng muốn tìm việc ổn định nhưng dịch giã thế này, khó lắm", Trường buồn bã. Sai lầm đau đớn của tuổi trẻ vẫn là vết sẹo ám ảnh người đàn ông phải bắt đầu mọi thứ khi đã ở ngưỡng tuổi 40...

Hy vọng duy nhất của bà Lành lúc này là cô cháu gái 17 tuổi, đang học lớp 11. "Nó chăm ngoan, học giỏi lắm, được cả học bổng đấy. Giờ nhiều khi nghĩ lại, tôi chỉ ước phải chi bố nó đừng trúng số, cả nhà cùng nhau làm lụng, đi lên từ chính bàn tay của mình. Hồi xưa chỉ nghèo thôi, nay thì khổ quá". Giọng bà như loang ra, giữa mênh mông hun hút đồng chiều...

Ông Huỳnh Thanh Hiển, trưởng ấp Thuận Thới xã Thuận An cho biết, từ khi anh Trường đi cải tạo thì gia đình rơi vào cảnh rất khó khăn, cả bà Lành và chồng đều bệnh tật. Trong các năm qua chính quyền rất quan tâm hỗ trợ gạo, tiền, xét hộ nghèo để gia đình bà lành được hưởng ưu đãi chính sách cũng như tặng quà động viên con gái anh Thức đi học. Cháu bé học rất giỏi. Riêng anh Trường thì bản chất ngoan hiền, từ hôm cải tại về đang tái hòa nhập cộng đồng, đi lao động để có nguồn thu nhập cho cả nhà.

Theo GiaDinh