Ăn trứng tốt cho sức khỏe nhưng với người này lại không nên ăn

Trứng có chứa nhiều giá trị dinh dưỡng với sức khỏe nhưng các chuyên gia cho rằng, với người này thì nên hạn chế hoặc không nên ăn.

ThS.BS Hoàng Thị Năng - Bệnh viện đa khoa MEDLATEC cho biết, gan nhiễm mỡ là tình trạng gan tích lũy quá nhiều mỡ, lượng mỡ chiếm trên 5% trọng lượng gan. Bệnh có thể gây biến chứng viêm, xơ gan hoặc nhiều bệnh lý nguy hiểm khác khi không có biện pháp kiểm soát, điều trị tốt.

Điều trị gan nhiễm mỡ mục đích là làm cho hàm lượng mỡ trong gan được giảm đi. Do đó, cùng với việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng cần lưu ý kiêng một số loại thực phẩm để bệnh không trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến kết quả trị liệu.

an-trung-tot-cho-suc-khoe-nhung-voi-nguoi-nay-lai-khong-nen-an

Trứng tốt cho sức khỏe nhưng người bị gan nhiễm mỡ cần hạn chế ăn. Ảnh minh họa

Nhiều bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ vẫn nghĩ rằng việc ăn trứng sẽ tốt cho sức khỏe. BS Năng cho rằng, với mọi người ăn trứng rất tốt cho sức khỏe vì giá trị dinh dưỡng của trứng rất cao. Trứng có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chất béo có lợi cho cơ thể như: vitamin A, kẽm, sắt,...

Tuy nhiên, người bị gan nhiễm mỡ cần không nên ăn quá nhiều trứng, nhất là người bị bệnh ở cấp độ 3 thì tốt nhất nên loại trứng ra khỏi thực đơn của mình. Việc hạn chế tối đa hoặc không ăn trứng, các sản phẩm chế biến từ trứng sẽ hỗ trợ kiểm soát tình trạng mỡ thừa ở gan, loại bỏ nguy cơ biến chứng thừa tích tụ vitamin A tại gan, cân bằng nồng độ cholesterol trong máu,...

Trong lòng đỏ trứng chứa hàm lượng cholesterol tương đối cao, ăn mỗi ngày làm tăng cholesterol trong máu có thể làm mỡ tích tụ ở gan ngày càng nhiều hơn. Ăn trứng liên tục còn tăng lượng đạm và lipid tạo thêm gánh nặng cho các hoạt động của gan vì gan sẽ phải làm việc tích cực hơn để chuyển hóa các chất này. Điều này sẽ khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, một quả trứng gà ta có giá trị dinh dưỡng khoảng 40g còn với một quả trứng vịt là khoảng 70g (cả vỏ). Đối với trứng vịt lộn thì 1 quả có 182 kcal năng lượng, 12.4g lipit, 13.6g protein, 212mg photpho, 82mg canxi, 600mg cholesterol…

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, bên cạnh hạn chế trứng trong bữa ăn, người bệnh bị gan nhiễm mỡ cũng cần chú ý chế độ sinh hoạt khoa học, tăng cường luyện tập thể dục để giúp tăng chuyển hóa tế bào gan, cải thiện sức đề kháng.

Ngoài ra cần hạn chế:

+ Chất béo, mỡ động vật: Dung nạp các chất này nhiều đồng nghĩa với việc tạo áp lực cho hoạt động của gan, khi gan không thể bài tiết chúng được sẽ tích tụ mỡ tại đây và sinh ra gan nhiễm mỡ.

+ Thịt đỏ: Do thịt đỏ chứa nhiều protein và chúng cũng được chuyển hóa tại gan. Ăn quá nhiều thịt đỏ sẽ tăng gánh nặng cho gan, tạo mỡ thừa và khiến bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

+ Trái cây chứa hàm lượng đường cao: Hạn chế trái cây chứa nhiều đường để giảm gánh nặng cho gan và kiểm soát bệnh gan nhiễm mỡ không diễn tiến nghiêm trọng hơn vì nạp một lượng đường quá lớn vào cơ thể sẽ sinh ra rất nhiều bệnh như tiểu đường, béo phì, gan nhiễm mỡ,...

+ Đồ uống có cồn: Đồ uống có cồn khi đi vào cơ thể sẽ thúc đẩy quá trình chuyển từ gan nhiễm mỡ sang xơ gan, thậm chí còn có thể gây ung thư gan.

+ Gia vị cay nóng như tỏi, ớt, hồ tiêu, gừng,... vì chúng khiến gan suy giảm chức năng, không thể bài tiết chất béo, tồn đọng mỡ làm bệnh ngày càng nặng.

Theo GiaDinh