Ăn mì tôm hay bị nóng nảy, bứt rứt cần ăn thêm gì để đủ dưỡng chất, hóa giải cơn nóng trong người?

Nhiều người thích ăn mì tôm (mì ăn liền), và vừa qua nhiều nhà đã mua mì tôm về nay bỏ ra ăn. Việc ăn nhiều mì tôm đã gây tình trạng nóng trong, bứt rứt, khó chịu về đêm, da nóng rực mà không có sốt… Chuyên gia hướng dẫn cách hóa giải tình trạng này.

Mì tôm rất ngon miệng, tiện ăn nhiều bữa, nhiều ngày. Anh Nguyễn Phú (Hà Nội), 45 tuổi có thói quen cứ 21 giờ là phải ăn tô mì tôm trước khi đi ngủ để ấm bụng và dễ ngủ. Anh "nghiện" mì tôm nên có những đợt ăn thường xuyên, cả sáng cả làm bữa chính luôn. 

Nhưng một dạo anh thấy người bứt rứt, khó chịu và có những đêm mất ngủ, da nóng như sốt… Đo nhiệt độ thân nhiệt chỉ 37 độ C, nhưng sờ vào da thì nóng ran, còn khô ráp, nổi từng đám mụn vùng lưng và bắp đùi. Đang mùa dịch nên anh Phú ngại đi viện, bèn gọi điện tư vấn. Bác sĩ cho biết anh bị nóng, nổi mụn một phần do cơ địa, phần khác có thể do ăn mì tôm quá nhiều và chưa đúng cách. Tình trạng này nhiều người mắc phải, có thể điều chỉnh để ăn đúng cách.

an-mi-tom-hay-bi-nong-nay-but-rut-can-an-them-gi-de-du-duong-chat-hoa-giai-con-nong-trong-nguoi

Không nên úp mì ăn liền. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, mì tôm - mì ăn liền không nóng tới mức như mọi người nói, nhưng ăn thường xuyên mà không ăn thêm rau xanh, hoa quả, thực phẩm giàu đạm như thịt, tôm, trứng… thì sẽ dễ bị táo bón, nóng trong người, nhiệt miệng, mệt mỏi do thiếu chất dinh dưỡng... còn dẫn tới cảm giác nóng nảy, khó chịu, bực bội trong người.

Mì ăn liền nguyên liệu chính là bột mì, thuộc nhóm ngũ cốc cùng với gạo, bún, miến, bánh phở… chủ yếu cung cấp chất bột đường và nhiều chất khác không có lợi cho cơ thể như dầu mỡ, muối... Ăn quá nhiều mì ăn liền (kể cả mì cao cấp) khiến cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng, còn dẫn tới gia tăng béo phì, nhanh lão hóa, thêm gánh nặng cho dạ dày, tiêu hóa, tiểu đường, tim mạch, cholesterol cao, hại thận, sỏi thận… với biểu hiện ban đầu rõ rệt như chóng mặt, mệt mỏi, tim đập nhanh… Nhiều người còn bị nổi mụn (do thiếu vitamin, và mì ăn liền lại chứa nhiều dầu, muối).

Trong khi cơ thể người khỏe mạnh cần cung cấp đều 6 chất protein, mỡ, carbohydrate, khoáng chất, vitamin và nước - và thiếu hụt một trong 6 dưỡng chất trên cơ thể rất dễ mệt mỏi, tình trạng kéo dài sẽ dễ sinh trọng bệnh.

an-mi-tom-hay-bi-nong-nay-but-rut-can-an-them-gi-de-du-duong-chat-hoa-giai-con-nong-trong-nguoi

Cần cho thêm rau và các thực phẩm giàu đạm khác. Ảnh minh hoạ

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm), không có thực phẩm xấu, chỉ có bữa ăn xấu. Quan trọng là phải biết phối hợp thực phẩm để tạo bữa ăn cân đối và dinh dưỡng.

Nhà sản xuất mì ăn liền thường kèm các gói gia vị khác nhau về thành phần như muối, mì chính, bột gia vị (gừng, thảo quả,…). Gói mỡ gia vị cay, tuy có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng độ mặn hợp khẩu vị với người ăn mặn, ăn nhiều dễ gây béo, bệnh tim mạch... do đó cần điều chỉnh cho ít hay cho nhiều tùy ý. 

Ăn mì tôm đúng cách cần phối hợp với các loại thực phẩm khác để đa dạng và đủ dinh dưỡng cho cơ thể mỗi ngày. Mì ăn liền có thể kết hợp nhiều loại thực phẩm khác (thịt, trứng, hải sản, rau xanh…) để bữa ăn hoàn chỉnh, đủ dinh dưỡng. Rau xanh, các loại đạm để bù đắp lượng vitamin, chất xơ và protein thiếu hụt trong gói mì, giúp tô mì bớt các chất độc hại.

an-mi-tom-hay-bi-nong-nay-but-rut-can-an-them-gi-de-du-duong-chat-hoa-giai-con-nong-trong-nguoi

Bát mì ăn liền cùng rau và thực phẩm giàu đạm mới đủ chất dinh dưỡng. Ảnh minh họa.

- Không ăn mì úp, cần chần bỏ nước đầu rồi nấu mì với với rau xanh (bắp cải, các loại cải, súp lơ, giá đỗ…), bổ sung 25-30 gram chất đạm như thịt bò, thịt lợn, tôm, trứng... cho 1 bát mì) để giảm độ béo thừa và cân bằng dinh dưỡng.

- Nên dùng gia vị bên ngoài như bột canh, bột ngọt, bột nêm nấu mì – để hạn chế những chất dầu mỡ, phụ gia quá nhiều trong gói gia vị.

Muốn không bị nổi mụn vì ăn mì tôm quá nhiều thì sau khi ăn cần ăn thêm các loại hoa quả chua, hoa quả có tính mát (tránh ăn quả ngọt), uống nhiều nước lọc để cung cấp vitamin và nước nhanh dung hòa lượng muối lớn trong mì tôm sẽ tránh bớt nổi mụn do nóng trong người, hạn chế các tác hại cho hệ tiêu hoá.

an-mi-tom-hay-bi-nong-nay-but-rut-can-an-them-gi-de-du-duong-chat-hoa-giai-con-nong-trong-nguoi

Ăn mì ăn liền xong cần uống nhiều nước lọc và ăn hoa quả chua. Ảnh minh họa.

Việc uống nhiều nước lọc còn giúp cơ thể nhanh được làm mát và thanh lọc, giảm thiểu tác động của các chất có trong mì ăn liền (nhưng tránh xa các loại nước ngọt, nước có ga, nước có chất kích thích). Cũng không nên ăn mì ăn liền thường xuyên. 

Một người trưởng thành ăn một tô mì úp nước sôi có thể thay thế 1 bữa ăn nếu không có thời gian. Nhưng những bữa khác trong ngày cần cân đối lại bằng cách ăn uống đa dạng.

Người bị tăng huyết áp ăn mì tôm vẫn được nhưng bổ sung thêm rau xanh, thêm thực phẩm giàu protein và không nên ăn thường xuyên. 

Cách nấu mì tôm ngon và bổ dưỡng

Nguyên liệu:

- 1 gói mì tôm

- Rau ăn kèm ưa thích, thịt (hoặc thực phẩm giàu đạm, protein).

- Hành hoa, cà chua (1 quả )

- Gia vị

Cách nấu

Hành hoa rửa sạch cắt khúc. Cà chua thái múi cau. Thịt thái miếng mỏng để riêng.

Phi thơm hành khô, cho thịt vào đảo săn rồi đổ cà chua, nêm gia vị thông thường vừa ăn (không phải gia vị mì tôm vì vị cay nồng, ăn vào rất nóng), là hoàn thành nước xốt nấu mì.

Đổ nước vào nồi đun sôi thì thả gói mì vào, dùng đũa xiên và tẽ gói mì ra chần sơ 30-60 giây thì vớt ra đổ vào rá và nhúng ngay vào nước lạnh (cách chần mì này nhằm lọc lớp dầu chiên mì, vừa giúp sợi mì dai hơn, ngon hơn), rồi đổ ra bát. Nếu ăn mì gói của Hàn Quốc, hoặc các loại mì dai thì thả mì vào cần nấu thêm 1-2 phút.

Đổ thêm nước cho đủ một bát mì đun tiếp đến sôi thì cho rau vào, nếu nấu nhiều rau thì cho thêm ít nước vì rau sẽ tiết ra nước (hoặc cò thể đổ riêng ra bát cho vào nồi mì sau). Rau chín thì đổ nước xốt, hoặc đập trứng vào). Vặn nhỏ lửa, đun thêm một lúc.

Đổ mì vừa chần lại nồi nước, cần nhanh tay tắt bếp để mì không bị nát. Hoặc lấy bát mì chần ra, thả mấy cọng hành hoa lên trên và đổ nước xốt lên. Bát mì ăn liền đã hoàn thành thơm ngon, không sợ bị nóng người và làm da nổi mụn.

- Khi thả rau chú ý: Rau cải nên nấu lâu một chút, còn rau xà lách, cải cúc, cải mầm… thả vào có thể bắc ra ngay.

- Ăn mì tôm kèm với dưa chuột, dưa góp, dưa muối cũng ngon miệng.

- Sau ăn mì ăn liền cần ăn thêm rau quả mát, thực phẩm mát bổ.

- Không nên úp mì, mà hãy nấu mì ăn liền cách này sẽ hạn chế được những chất dầu mỡ và phụ gia không phù hợp với sức khỏe.

Theo GiaDinh