Ăn chay vẫn bị gút

Tôi vừa bị một cơn gút vô cùng đau đớn dù 2 tháng qua đã chuyển qua ăn chay hoàn toàn. Sao lạ vậy?

Bạn đọc Trần Văn Hoàng (nam, 50 tuổi; quận 2, TP HCM) hỏi: "Do kết quả kiểm tra sức khỏe không tốt, qua xét nghiệm máu cho thấy mức axit uric, cholesterol toàn phần và đường huyết của tôi đều cao nên tôi đã chuyển qua ăn chay. Tôi ăn chay hoàn toàn, tức kiêng cả trứng, sữa nhưng cũng rất đầy đủ. Thế nhưng một cơn gút (gout) khá nặng đã xảy ra vào đợt tôi về quê vì nhiều món chay mẹ tôi làm rất ngon miệng. Chẳng lẽ do tôi ăn quá nhiều hay việc ăn chay chưa đủ để giảm axit uric?"

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời:

Nhiều người vẫn tưởng ăn chay là không bị gút, điều này hoàn toàn sai lầm. Nguy cơ bị gút quả thật có phần thấp hơn so với chế độ ăn dư thừa thịt nhưng nếu bạn ăn chay không khoa học thì vẫn có thể bị gút.

Có thể bạn đã tiêu thụ quá nhiều đạm. Nên biết rằng rất nhiều món chay giàu đạm. Thực phẩm giàu đạm chứa nhiều purine, quá trình chuyển hóa purine giải phóng thêm nhiều axit uric. Axit uric trong máu của bạn đã cao, theo như kết quả xét nghiệm, vì vậy sự gia tăng thêm axit uric khiến bạn gặp cơn gút cấp.

Các loại đậu là nguồn cung cấp đạm phổ biến nhất ở người ăn chay. Vì vậy, nhiều người không biết cách chế biến đa dạng các món chay, ngày nào cũng ăn đậu hũ thì có nguy cơ bị thừa đạm khá cao.

Ngoài ra, một số loại thực vật như dọc mùng, măng tre, măng tây, giá, các loại rau mầm… đều làm tăng mạnh hàm lượng axit uric.

Đặc biệt là măng tre, ngoài axit uric còn có axit xianhidric (hidro xyanua). Đây là chất cực kỳ độc hại, có thể tác động đến hệ thần kinh, chức năng hô hấp, tim mạch…, gây ngộ độc nặng nếu ăn nhiều. Axit xianhidric có nhiều trong măng tươi nhưng sẽ được loại bỏ bớt nếu bạn chịu khó ngâm kỹ măng trước khi chế biến, nấu chín. Tốt hơn là ăn măng khô, vì ở dạng này nồng độ axit xianhidric đã giảm đi nhiều.

Ăn quá nhiều một món trong bữa ăn thường gặp nhiều ở những người mới bắt đầu ăn chay như bạn, càng nên cẩn trọng. Nếu có ý định ăn chay lâu dài, bạn nhất thiết phải học cách nấu thêm nhiều món chay, bởi người ăn chay cũng cần ăn uống đa dạng và bổ sung đủ các nhóm thực phẩm như rau, bột đường, trái cây, đạm, béo.

Việc cần làm bây giờ là bạn hãy uống nhiều nước (ít nhất 2-2,5 lít/ngày), ăn và uống các loại nước giúp lợi tiểu, ví dụ món ăn, canh hoặc nước chế biến từ các loại rau họ cải, bồ ngót, rau má, mã đề… để giúp cơ thể mau đào thải axit uric dư thừa. Chú ý không ăn quá mặn, bổ sung thêm canxi vì sự thiếu hụt canxi sẽ làm cho các khớp của bạn đau đớn thêm.

Anh Thư thực hiện

Theo nguoi lao dong