Ai là người thay thế chủ tịch nước Trần Đại Quang

Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, ai sẽ đảm nhiệm (giữ quyền) vị trí của ông trước khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sau một thời gian mắc bệnh hiểm nghèo, đã từ trần lúc 10h05 sáng 21.9 tại Hà Nội, nguồn tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết.

Trước khi làm Chủ tịch nước, từ tháng 8.2011 đến tháng 3.2016, ông giữ chức Bộ trưởng Công an. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, ai sẽ đảm nhiệm (giữ quyền) vị trí của ông trước khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, ai sẽ đảm nhiệm thay?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã từ trần vào sáng nay, 21.9. 

Luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết quy định về Chủ tịch nước được nêu rõ trong Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2013.

Theo đó, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội và chịu trách nhiệm, báo cáo công tác trước Quốc hội.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước. 

Một trong những quyền của Chủ tịch nước là tham dự phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết: “Theo Điều 93 của Hiến pháp, khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới”.

Phó Chủ tịch nước hiện nay là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh. 

Như đã thông tin ở trên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã từ trần sáng nay (21.9) tại Hà Nội.

Trước đó, ngày 2.4.2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII ông Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đến tháng 7.2016, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV ông được bầu lại làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo DanViet

---------------

Xem thêm:

Chủ tịch nước mắc bệnh lý máu ác tính

GS-TS Phạm Gia Khải, nguyên chủ tịch Hội đồng chuyên môn - cố vấn Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang được phát hiện mắc bệnh lý máu ác tính cách đây một thời gian.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 21-9, GS-TS Phạm Gia Khải, nguyên chủ tịch Hội đồng chuyên môn - cố vấn Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang được phát hiện mắc bệnh lý máu ác tính cách đây một thời gian và đã từng đi nước ngoài điều trị. Tuy nhiên, do thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chỉ có thể điều trị duy trì để lui bệnh một thời gian.

Chủ tịch nước mắc bệnh lý máu ác tính - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang mắc bệnh lý máu ác tính một thời gian - Ảnh: VNE

Theo một nguồn tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, sau khi phát hiện mắc bệnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được chữa bệnh tại nước ngoài. Thời gian gần đây, bệnh của Chủ tịch nước có dấu hiệu tái lại nặng hơn và đã được các chuyên gia trong nước và nước ngoài hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị.

Chiều 20-9, Chủ tịch nước phải nhập viện Trung ương Quân đội 108, sau đó rơi vào tình trạng hôn mê. Mặc dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa nhưng đã không qua khỏi. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời lúc 10 giờ 5 phút ngày 21-9-2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

D.Thu

Theo NLD