800 người Việt Nam sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa lao chống COVID-19

Khoảng 800 y bác sĩ và người tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 ở nước ta sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa bệnh lao để tìm mối liên quan giữa vắc xin này trong việc phòng bệnh COVID-19.

800-nguoi-viet-nam-se-tiem-thu-nghiem-vac-xin-ngua-lao-chong-covid-19

Theo thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương, sẽ có khoảng 800 người Việt Nam gồm các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch và người tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính được tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa lao để phục vụ nghiên cứu về COVID-19.

Theo cơ quan này, hiện đã có ít nhất 6 quốc gia trên thế giới đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêm vắc xin ngừa lao cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch và người cao tuổi để đánh giá mối liên quan giữa vắc xin này và bệnh COVID-19.

Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Mỹ và Ireland cho thấy, những nước nào có chương trình tiêm đại trà vắc xin ngừa bệnh lao thì có ít bệnh nhân tử vong vì đại dịch COVID-19.

GS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu này, cho biết trên thế giới hiện đã có ít nhất 6 quốc gia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêm vắc xin BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch và người cao tuổi để đánh giá mối liên quan giữa vắc xin BCG và bệnh COVID-19.

Hiện bệnh viện đang lên kế hoạch thực hiện nghiên cứu này với sự phối hợp của các chuyên gia Pháp để sớm thử nghiệm lâm sàng.

Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc xin BCG được sử dụng trong chương trình từ hơn 30 năm nay và là một trong những vắc xin cơ bản dành cho trẻ nhỏ.

Vắc xin BCG được tiêm cho trẻ trong tháng đầu sau sinh, để đạt hiệu quả cao, tất cả trẻ sơ sinh khỏe mạnh cần được tiêm một liều vắc xin duy nhất.

Vắc xin BCG có thể tiêm cùng lúc với các vắc xin khác cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng, bao gồm cả vắc xin viêm gan B. Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, việc tiêm nhắc lại vắc xin BCG hiện không được khuyến khích do có rất ít hoặc không có tác dụng đối với phòng chống bệnh lao.

Trước thông tin trên mạng xã hội lan truyền về việc dùng vắc xin BCG phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra thông báo về việc chưa có các bằng chứng chính xác vắc xin phòng lao có thể giúp phòng bệnh COVID-19.

WHO khuyến cáo không sử dụng vắc xin BCG cho phòng bệnh COVID-19, đồng thời yêu cầu các nước có bệnh lao lưu hành phổ biến tiếp tục triển khai vắc xin BCG cho trẻ sơ sinh.

Dạ Thảo

Theo Motthegioi

---

Xem thêm:

+Vì sao vaccine phòng lao được đưa vào thử nghiệm chống Covid-19?

+WHO cảnh báo đừng trông chờ vào văcxin COVID-19, vì sao?

+Sau khi 'dương tính trở lại', bệnh nhân 188 đã có kết quả âm tính

----