5 nguyên tắc dùng bếp ga an toàn trong thời tiết nắng nóng

Những lưu ý quan trọng dưới đây sẽ giúp bạn sử dụng bếp ga an toàn hơn, phòng tránh hiệu quả những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Bếp ga là vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình được sử dụng để đun nấu hàng ngày. Cũng vì quá quen thuộc nên đa số người dùng thường chủ quan và sử dụng bếp theo cảm tính thay vì đọc kỹ hướng dẫn từ nhà sản xuất. Điều này đã gây ra không ít sự cố cháy nổ để lại gây hậu quả nghiêm trọng đến của cải và tính mạng con người.

5-nguyen-tac-dung-bep-ga-an-toan-trong-thoi-tiet-nang-nong

Cháy nổ bếp ga gây hậu quả nghiêm trọng đến của cải và tính mạng con người (Ảnh minh họa)

Mới đây nhất là sự cố cháy nổ bình ga tại một ngôi nhà 5 tầng ở phố Cửa Nam, Hà Nội đã khiến nhiều nhà bị ảnh hưởng, 4 người bị thương nặng. Do đó, để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, bạn cần nắm rõ những lưu ý sử dụng bếp ga an toàn sau đây:

Lắp đặt bếp ga đúng tiêu chuẩn, an toàn

- Khi lắp đặt và sử dụng bếp ga người dùng cần đảm bảo các tiêu chí như sau:

- Vị trí đặt bếp phải thoáng khí nhưng cần tránh gió lùa trực tiếp (gió tự nhiên hoặc từ thiết bị khác như quạt máy).

- Bề mặt đặt bếp ga nên bằng đá, xi măng, kính... không nên bằng chất liệu gỗ vì dễ bắt lửa.

- Bếp ga lắp cách trần tối thiểu 1m, cách tường hoặc vật chắn khác ít nhất 15 cm, xa các vật liệu dễ bắt lửa hay cháy nổ.

- Bình ga cần đặt thẳng đứng và thấp hơn bếp ga, đặt trong tủ bếp có thể lưu thông khí (phòng trường hợp khí ga rò rỉ có thể phát hiện ngay). Bình ga cũng cần để xa bếp và các nguồn điện tối thiểu 1.5 m.

- Dây dẫn đảm bảo còn mới nguyên, không bị nứt gãy hay gấp khúc khi lắp đặt.

- Khi lắp bình ga với bếp, kiểm tra bật bếp thử để kiểm tra ngọn lửa, tắt bếp đúng quy trình để kiểm tra xem van có kín không.

Tắt mở bếp ga đúng cách

Khi sử dụng bếp ga, bạn hãy mở van bình ga trước, sau đó mở van ở bếp để sử dụng. Khi tắt bếp, hãy khóa van bình ga trước, chờ cho ngọn lửa ở bếp tắt hẳn sau đó mới khóa van bếp.

Nếu sau khi khóa van đầu bình ga mà ngọn lửa ở bếp vẫn cháy không tắt chứng tỏ van đầu bình ga không kín thì không tắt bếp, để nguyên hiện trường và gọi điện cho cửa hàng, đại lý ga yêu cầu đổi bình ga khác.

5-nguyen-tac-dung-bep-ga-an-toan-trong-thoi-tiet-nang-nong

Nên tạo thói quen khóa van bếp ga ngay sau khi không dùng nữa (Ảnh minh họa)

Hãy tạo thói quen an toàn sau khi nấu xong, khóa van bình ga, đợi cho lửa trên bếp tắt hẳn, sau đó tắt bếp để đảm bảo an toàn cho gia đình khỏi nguy cơ rò rỉ ga gây cháy nổ.

Vệ sinh bếp ga thường xuyên

Vệ sinh bếp ga thường xuyên không những giúp không gian nấu nướng của bạn luôn được sạch sẽ, ngăn chặn sự xâm hại của các vi khuẩn mà còn giúp hệ thống đánh lửa sẽ hoạt động tốt, bếp ga tăng độ bền và an toàn khi sử dụng.

Do đó, nếu bếp ga của đã quá cũ và rỉ sét nhiều, hãy thay bếp mới để công việc nấu nướng thuận tiện hơn và an toàn hơn cho căn nhà.

Ở gần bếp trong suốt quá trình nấu nướng

Không phải lúc nào bếp ga cũng ổn định, để tránh những nguy hiểm bất ngờ không thể lường trước như: thực phẩm trào làm tắt bếp, gió thổi làm tắt bếp hay vật dễ cháy bất ngờ bay vào bếp,… bạn cần phải đứng bên cạnh bếp quan sát, túc trực trong suốt quá trình nấu nướng vì sự an toàn của bản thân và gia đình.

5-nguyen-tac-dung-bep-ga-an-toan-trong-thoi-tiet-nang-nong

Kiểm tra an toàn bếp ga định kỳ

Thông thường, nguyên nhân các vụ nổ khí ga thường là do ga bị rò rỉ do vỏ bình thủng, van bị hở, dây dẫn bị chuột cắn... Đặc biệt ống dẫn ga là bộ phận “nhạy cảm” dễ bị rò rỉ.

Do đó, để chắc chắn toàn bộ bếp ga đều ở trong tình trạng an toàn nhất cho sử dụng bạn cần kiểm tra định kỳ: cứ 6 tháng - 1 năm/1 lần kiểm tra bếp, bình ga, dây dẫn ga và cả van khóa, tốt nhất 5 năm sử dụng bạn nên thay mới để đảm bảo an toàn. Nếu bếp ga của đã quá cũ và rỉ sét nhiều, hãy thay bếp mới để công việc nấu nướng thuận tiện hơn và an toàn hơn cho căn nhà của bạn.

Theo GiaDinhVietNam