4 thói quen giúp tăng tuổi thọ cho điều hoà nhiệt độ



Khác với suy nghĩ của nhiều người, thường xuyên vệ sinh mặt nạ, lưới lọc và hai dàn nóng, lạnh lại là những thói quen dễ dàng tăng tuổi thọ cho điều hòa nhiệt độ gia đình.

4 thói quen giúp tăng tuổi thọ cho điều hoà nhiệt độ

Vệ sinh định kỳ điều hòa nhiệt độ có thể dễ dàng tăng tuổi thọ cho điều hòa nhiệt độ. Ảnh: Internet

Rất nhiều người cho rằng, phải đầu tư mua các điều hòa đắt tiền hay hạn chế thời gian sử dụng mới có thể tăng tuổi thọ cho điều hòa nhiệt độ của gia đình. Thế nhưng, chỉ cần duy trì một vài thói quen vệ sinh định kỳ, bạn đã có thể tăng tuổi thọ cho điều hòa gia đình kể cho dù có mua và sử dụng các điều hòa cũ.

Các thợ sửa kinh nghiệm cho biết, vệ sinh các bộ phận của điều hòa nhiệt độ lại là thói quen có thể giúp tăng đáng kể tuổi thọ cho điều hòa nhiệt độ. Thậm chí là tiết kiệm cả tiền bơm ga làm mát.

Thông thường, đối với điều hòa sử dụng trong gia đình, các chuyên gia khuyên bạn nên có chế độ bảo hành 3 - 4 tháng/lần (nếu vận hành thường xuyên 3 - 6 tiếng/ngày).

Lau rửa mặt nạ lọc của dàn lạnh

Mặt nạ lọc là bộ phận bên ngoài tiếp xúc với bụi bẩn nên cần được thường xuyên vệ sinh, lau chùi. Trước hết, nhấc mặt trước của điều hòa lên cao hơn chiều ngang và kéo ra. Sau đó, lau chùi và rửa sạch mặt nạ với nước (hoặc nước rửa chén) và lau khô lại.

Đa số các máy điều hòa nhiệt độ trên thị trường hiện nay có phần mặt nạ có thể tháo rời nên bạn có thể tháo theo nấc lẫy bên cạnh thân máy để vệ sinh dễ dàng hơn.

Tuy nhiên cần lưu ý, không sử dụng chất tẩy rửa mạnh cũng như ấn mạnh tay khi lau chùi. Đặc biệt, không để khô trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Khi đặt vào hay tháo ra cần đặt mặt nạ vào đúng các lẫy để tránh việc thất thoát hơi lạnh khi dùng máy.

Vệ sinh lưới lọc

Lưới lọc khí là bộ phận dễ bị bụi bẩn nhất khi điều hòa nhiệt độ sử dụng trong một thời gian dài, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nhiều bụi bẩn như Việt Nam. Thông thường, người dùng nên vệ sinh lưới lọc không khí 2 tuần/ lần hoặc lâu nhất là 1 tháng/lần.

Tùy mỗi điều hòa nhiệt độ, các lưới lọc có cấu tạo và được bố trí khác nhau. Nhưng hầu hết các nhà sản xuất thường bố trí các lưới rất dễ tháo/lắp để thuận tiện cho việc vệ sinh.

Để vệ sinh lưới lọc, người dùng cần ngắt điện, tháo dàn lạnh, dùng giẻ lau sạch bụi lưới lọc rồi sử dụng vòi nước thổi theo chiều ngược lại của lớp bụi.

Cần lưu  ý, các lưới lọc rất dễ hỏng, rách, không dùng nước trên 40 độ C để cọ rửa. Khi vệ sinh xong, cần đợi lưới lọc khô hẳn mới lắp vào máy. Việc đặt lưới lọc vào máy khi chưa khô có thể sẽ làm tăng nguy cơ bám bẩn và sinh sôi các vi khuẩn có hại.

Vệ sinh toàn bộ dàn lạnh

Vệ sinh dàn lạnh tuy phức tạp nhưng hoàn toàn có thể tự làm mà không cần nhờ đến thợ sửa. Để cọ rửa, vệ sinh dàn lạnh, bạn có thể sử dụng bơm tăng áp (nếu có). Nếu không, có thể tận dụng bình xịt kính, bình tưới cây để cọ rửa vệ sinh dàn lạnh cũng tương đối hiệu quả.

Tắt máy trước khi rửa dàn lạnh. Trước khi xịt rửa, dùng giẻ khô hoặc ni lông bịt kín bo mạch dàn lạnh. Chỉ xịt nước và cọ rửa vào các khe kim loại, vị trí lá nhôm tản nhiệt, tránh xịt và các bộ phận khác (nhất là các bo mạch) để tránh làm hỏng máy. Đợi máy khô nước, sau đó ít nhất 15 phút mới cắm điện cho máy.

Cọ rửa dàn nóng

Thông thường, dàn nóng điều hòa thường được đặt ở ngoài trời nên sau nhiều tháng sử dụng cũng xảy ra hiện tượng tích tụ bụi. Chính vì vậy phải vệ sinh định kỳ cả dàn nóng nếu muốn điều hòa không khí hoạt động trơn tru.

Nếu gia đình lắp đặt ở các vị trí thấp, việc vệ sinh dàn nóng rất đơn giản. Chỉ cần ngắt điện toàn bộ hệ thống, sử dụng vòi xịt cao áp (hoặc vòi rửa bình thường) để xịt trực tiếp vào dàn nóng. Bạn có thể dùng một chiếc tuốc-nơ-vít dài để cố định cánh quạt giàn nóng để xịt rửa dễ dàng hơn.

Nếu ở các khu nhà cao tầng hoặc lắp đặt dàn nóng ở các vị trí cao. Người dùng nên gọi thợ sửa điều hòa chuyên nghiệp vệ sinh định kỳ dàn nóng để tránh các tai nạn đáng tiếc.

Theo Ictnews