4 thay đổi để tránh nâng điểm khi chấm thi trắc nghiệm 2019

Chấm thi trắc nghiệm thi THPT Quốc gia năm 2019 có nhiều thay đổi so với năm 2018. Từng bước thực hiện đều được ghi nhận và báo cáo về Bộ GD-ĐT tránh gian lận nâng điểm thi.

Sau 2 năm giao cho địa phương chấm trắc nghiệm và để xảy ra gian lận chấn động tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, năm 2019 các trường đại học sẽ chủ trì chấm thi trắc nghiệm.

4-thay-doi-de-tranh-nang-diem-khi-cham-thi-trac-nghiem-2019

Bộ GD-ĐT khuyến cáo: Bài thi thường được thu theo phòng thi nhưng khi xử lý có thể dồn thành từng lô. Mỗi điểm thi, mỗi bài thi phải tổ chức ít nhất một lô để lưu thông tin ảnh bài thi (được mã hóa). Việc chia lô do đơn vị tự quyết định, nhưng mỗi phòng thi nên lập một lô để tránh sót, hoặc quét nhầm các tài liệu không phải bài thi.

Quy trình chấm thi trắc nghiệm năm 2019 vẫn thực hiện 4 bước nhưng từng bước đã có sự thay đổi tránh xảy ra gian lận.

1. Quét ảnh: Dùng máy quét ảnh (Scanner) quét các bài thi theo từng lô đưa vào các thư mục chứa ảnh. Các ảnh được mã hóa ngầm, ngăn không cho đọc hay thay đổi bởi các phần mềm xử lý ảnh. Toàn bộ ảnh đã được mã hóa, được đóng gói cùng với cơ sở dữ liệu cũng được mã hóa vào thời điểm hiện tại, ghi thành đĩa CD0 gửi về Bộ. Chỉ có Bộ mới giải mã được CD0.

2. Đọc ảnh (còn gọi là xử lý ảnh hay nhận dạng ảnh): Xử lý ảnh để đọc các thông tin như số báo danh, mã đề và các bài làm của thí sinh. Sau đó, các đơn vị tạo báo cáo Bộ GD- ĐT về bài làm của thí sinh đã đọc được. Các dữ liệu này được mã hóa cùng với bản sao cơ sở dữ liệu tại thời điểm đó làm thành đĩa CD1 gửi về Bộ. Chỉ có Bộ GD-ĐT mới giải mãi được đĩa CD1, ngoài ra sau khi sinh ra đĩa CD1 sẽ không tự sinh lại, trừ khi yêu cầu được Bộ cho phép.

3. Sửa lỗi của thí sinh: Các lỗi như không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được, trong đó lỗi tệ hại nhất là tô nhầm SBD; Không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào; Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.

Thậm chí, có những lỗi do quét bài như để gấp phiếu, sai mặt phiếu, làm phiếu bị biến dạng… những lỗi này (nếu có) sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dù rằng có những lỗi do chính thí sinh gây ra.

Trong năm 2019, phần sửa lỗi này sẽ được thực hiện chỉ sau khi sinh ra đĩa CD1. Kết quả sửa cùng với biên bản (tự động) cùng với bản sao cơ sở dữ liệu tại thời điểm đó được mã hóa tạo thành đĩa CD2 gửi về Bộ GD-ĐT. Cũng như đĩa CD1 chỉ có Bộ mới có thể giải mã được đĩa CD2 .

4. Chấm thi: Khác với năm 2018, năm 2019 sau khi nhận được đĩa CD2, Bộ GD-ĐT mới cấp đáp án để các đơn vị chấm thi. Đáp án cũng được mã hóa, phần mềm sẽ tự giải mã. Nếu người chấm cố tình nhập dữ liệu không phải đáp án do Bộ cung cấp phần mềm sẽ cảnh báo và khóa hệ thống. Kết quả chấm sẽ được mã hóa tự động và ghi thành một file kết quả để chuyển cho Bộ và bộ phận quản lý thi. Bộ GD-ĐT sẽ cấp mã khóa cho bộ phận quản lý thi, giải mã điểm thi trắc nghiệm, để tổng hợp với điểm tự luận.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: Các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi để đảm bảo khách quan; phân công cán bộ giám sát phòng thi theo quy định mỗi cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi. Cụ thể là sử dụng nhãn niêm phong theo mẫu bằng giấy dễ rách, dùng 1 lần, trên nhãn niêm phong có họ tên, chữ ký của Phó trưởng Điểm thi là cán bộ của ĐH, CĐ; sau khi dán nhãn thì dán phủ một lớp băng dính trong lên nhãn niêm phong một vòng quanh túi đựng bài thi.

Theo Vietnamnet