4 món ăn thuốc từ ốc nhồi tốt cho người bệnh đái tháo đường, phù nề

Nem, chả, ốc nhồi thịt hấp lá gừng, ốc nhồi nướng than hoa, ốc nhồi om chuối đậu, ốc xào nấm hương thịt nạc ... là những món ăn dân dã cực hấp dẫn từ ốc nhồi mà bạn khó có thể cưỡng lại được. Không chỉ ngon bổ, các món ăn này còn có tác dụng tốt với sức khỏe, giúp thông lợi đại tiểu tiện, giải phiền nhiệt và tiêu thũng, là thực đơn lý tưởng trong những ngày hè.

Ốc nhồi còn gọi ốc đồng, điền loa. Tên khoa học: Pila polita Deshayes., họ ốc nhồi (Pilidae). Ốc có hình tròn bóng; mặt ngoài màu nâu đen hay xanh vàng, mặt trong hơi tím, có nhiều vòng xoắn.

Các vòng xoắn hơi phồng ở giữa và có rãnh nông; vòng xoắn ở miệng ốc lớn, gần bằng 5/6 chiều cao con ốc. Vòng xoắn nhỏ dần theo tháp ốc và vót nhọn ở đỉnh tháp. Lỗ miệng vỏ dài và hẹp, có vành sắc. Nắp che miệng dài, gần hình thận, hai đầu tròn không bằng nhau. Loài ốc bươu (Pila conica Gray.) cũng được dùng, nhưng chất lượng không bằng loại ốc đồng.

Về thành phần dinh dưỡng, ốc nhồi chứa 11,9% protid; 0,7% lipid; các vitamin (B1 0,01mg%, B2 0,06mg%; PP 1mg%); khoáng chất (1357mg% Ca, 191mg% P). ốc cung cấp 86 Calo/100g thịt.

Theo Đông y, ốc nhồi vị ngọt, mặn, tính hàn; vào Vị, Đại tràng, Bàng quang. Vỏ ốc vị ngọt, tính bình. Ốc nhồi tác dụng lợi thủy, thanh nhiệt. Dùng tốt cho người bị sốt nóng, tiểu tiện khó, phù nề, vàng da, đái tháo đường, trĩ. Vỏ ốc có tác dụng giải tâm phiền. Liều dùng cách dùng: 500 - 2000g (cả vỏ); nấu, hầm, nướng hay xào.

Sau đây là 4 món ăn thuốc có ốc nhồi:

1. Canh ốc nhồi củ chuối tiêu: ốc nhồi 500 - 2000g, củ chuối  500g – 1.000g. Ốc ngâm sạch, đập bỏ vỏ, rửa sạch nhớt, thái miếng; củ chuối ép lấy nước, nấu với ốc, khi chín nhừ thêm chút đường trắng và gia vị là được. Vẫn thực đơn này, theo kinh nghiệm dân gian, dùng quả chuối xanh gọt bỏ vỏ ngoài, ngâm nước, sau đó rửa sạch thêm gia vị nấu với ốc thành một món đặc sản. Món này có tác dụng lợi niệu chống phù nề.

4-mon-an-thuoc-tu-oc-nhoi-tot-cho-nguoi-benh-dai-thao-duong-phu-ne

Canh ốc nấu chuối tác dụng lợi niệu, chống phù nề

2. Ốc xào nấm hương: ốc nhồi 500 – 2.000g, nấm hương 20g, thịt nạc 60g. Ốc ngâm nước sạch 1 - 2 ngày, đem đập lấy phần thịt ốc, rửa sạch nhớt, thái lát; nấm hương ngâm rửa sạch để cho hết nước, thái nhỏ; thịt nạc thái lát, cùng trộn lẫn với ốc và nấm hương, thêm gia vị hành, gừng, bột tiêu, muối, giấm; để 15 phút. Xào to lửa với dầu chiên đến chín, thêm nước dùng, đun cho sôi đều. Ăn nóng. Món này dùng tốt cho người bị sốt nóng vàng da, tiểu ít.

3. Ốc nhồi luộc: ốc nhồi 500 – 2.000g ngâm với nước gạo rồi rửa sạch, đem luộc với 1 nắm lá bưởi đến khi ốc chín, khêu ốc ăn với nước gừng pha rượu, giấm thanh, đường và mắm, đồng thời uống nước luộc ốc. Món này thanh nhiệt lợi niệu, rất tốt cho người bệnh sốt nóng vàng da. Cách này hay làm với ốc bươu, ốc bươu vàng.

4-mon-an-thuoc-tu-oc-nhoi-tot-cho-nguoi-benh-dai-thao-duong-phu-ne

Ốc nhồi luộc chấm mắm gừng thanh nhiệt lợi niệu, rất tốt cho người bị sốt nóng, vàng da.

4. Nước canh ốc nhồi tàu hũ: ốc nhồi 500 – 2.000g đem đập bỏ vỏ ốc, rửa sạch, thái miếng; nấu với đậu phụ, hành củ (hoặc hành tươi) lấy nước uống. Dùng thích hợp cho người bị say rượu, hôn mê.

Kiêng kỵ: người bị tỳ vị hư hàn không được ăn ốc nhồi.

Theo Sức khỏe & Đời sống