36 giờ liên tiếp Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19

Tính đến 6h sáng nay (22/3), cả nước có hơn 37.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch COVID-19 đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó có gần 500 người cách ly tập trung tại bệnh viện.

Trong bản tin về tình hình dịch COVID-19 phát đi lúc 6h sáng 22/3, Bộ Y tế cho biết 12 giờ qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới. Như vậy, 36 giờ liên tiếp Việt Nam không ghi nhận thêm ca bệnh COVID-19 nào cả trong nước và nhập cảnh.

Tổng số ca ở nước ta vẫn là 2.572. Trong số này, có tổng cộng 1.601 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 908 ca.

36-gio-lien-tiep-viet-nam-khong-ghi-nhan-them-ca-mac-moi-covid-19

Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại chân cầu Bạch Đằng vẫn thực hiện khai báo đồng thời bằng hai hình thức thủ công và điện tử. Ảnh: TTXVN

Hiện cả nước có hơn 37.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó có gần 500 người cách ly tập trung tại bệnh viện; Cách ly tập trung tại cơ sở khác là gần 18.000, số còn lại gần 18.700 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tổng số người khỏi bệnh ở nước ta là 2.198. Nước ta cũng ghi nhận 35 ca tử vong, 4 ca tử vong sau khi âm tính từ 3-4 lần với SARS-CoV-2. Trong số hơn 300 bệnh nhân đang điều trị tại 20 cơ sở y tế có 37 ca chuyển âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; 18 ca lần 2 và 63 ca lần 3.

Thế giới đến hôm nay đã ghi nhận gần 123,7 triệu người mắc COVID-19 với 2,75 triệu người tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều ca mắc và tử vong vì COVID-19 nhiều nhất thế giới với hơn 30 triệu ca mắc và hơn nửa triệu người tử vong. Brazil ghi nhận gần 12 triệu người mắc. Con số này ở Ấn Độ là 11,6 triệu.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh chúng ta hiện cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao; bên cạnh đó là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế trong thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vaccine, Tuy nhiên, nguồn cung ứng vaccine nhập khẩu còn hạn chế và vaccine trong nước dự kiến phải tới quý IV năm 2021 Việt Nam mới có.

Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay theo chiến dịch 5K.

Năm 2021, tiêm chủng vaccine đang được triển khai rất khẩn trương nhưng cuộc chiến chống đại dịch chưa có điểm kết thúc, nhiều chủng mới nguy hiểm hơn của virus đã xuất hiện, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực.

Do đó, Bộ Y tế kiến nghị, tiếp tục kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn là “Ngăn chặn-Phát hiện-Cách ly-Khoanh vùng và Dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ; chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và phát huy bài học huy động sức dân hoạt động hiệu quả của các tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Võ Thu

Theo GiaDinh