30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tính đến tháng 6/2020 cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…).​

Chiều 29/6, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị "Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19".

Hội nghị do ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, cùng sự tham gia của lãnh đạo Cục Việc làm, Vụ Bảo hiểm xã hội, Cục Quan hệ lao động và tiền lương và đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động tại Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020.

Lực lượng lao động thấp kỷ lục, lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua; tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) riêng trong Quý I/2020 đã có 35.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, đây là một con số kỷ lục từ trước tới nay (lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số thành lập mới); hơn 75% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% phải giảm tới một nửa quy mô lao động so với hiện nay, hàng triệu lao động nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây

30-8-trieu-nguoi-tu-15-tuoi-tro-len-bi-anh-huong-boi-dich-covid-19

Toàn cảnh Hội nghị "Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19". Ảnh: TL

Theo tính toán sơ bộ, tính đến tháng 6/2020 cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…

Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người); 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc; lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%, tiếp đến là 67,8% khu vực công nghiệp, 25,1% khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Số lao động bị mất việc trong 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900 nghìn người.

Lao động mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống…vv.

Những khó khăn của thị trường lao động được thể hiện qua việc người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo tính toán sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm 2020, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 565 ngàn người tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019, số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 7.000 tỷ đồng tăng gần 40% so với năm 2019.

30-8-trieu-nguoi-tu-15-tuoi-tro-len-bi-anh-huong-boi-dich-covid-19

7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: TL

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 9/4, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Sau đó, ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, các giải pháp phần lớn mới tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với các doanh nghiệp mặc dù đã có các chính sách như vay vốn để trả lương ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... nhưng chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.

Đánh giá về thực trạng trên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, nhờ quyết liệt phòng chống dịch ngay từ giai đoạn đầu, xác định bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, Chính phủ xác định sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn, vì vậy đã cơ bản khống chế được đại dịch trên lãnh thổ Việt Nam từ rất sớm.

Đối với các doanh nghiệp, người lao động, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ có chủ trương tiếp tục hỗ mạnh hơn nữa trong thời gian tới đây. Tại hội nghị lần này, Bộ LĐ-TB&XH mong muốn tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để có cơ sở trao đổi, kiến nghị trong phiên họp của Chính phủ tới đây.

Theo GiaDinh