28 lỗi vi phạm này sẽ bị trừ điểm trong giấy phép lái xe

Theo lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an), Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay không có hình thức xử phạt trừ điểm, vì vậy trừ điểm vào bằng lái chỉ là biện pháp quản lý.

28-loi-vi-pham-nay-se-bi-tru-diem-trong-giay-phep-lai-xe

Việc cấp điểm cho GPLX được đánh giá là biện pháp mới để quản lý hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Ảnh: Duy Hiếu

Những hành vi có thể bị trừ điểm

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2020. Trong Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất quy định về điểm giấy phép lái xe (GPLX) là 1 biện pháp quản lý hành chính, không phải là một hình thức xử phạt hành chính.

Chính phủ thống nhất hướng quy định GPLX để áp dụng cho năm kế tiếp; không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm; nếu bị trừ hết điểm thì phải thi lại bằng lái…

Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ lần thứ 2, Bộ Công an đã đề xuất 28 hành vi và nhóm hành vi bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính và trừ điểm bằng lái nhưng chưa nêu cụ thể số điểm trừ cho từng hành vi.

Những lỗi sẽ bị trừ điểm trên GPLX gồm: Liên quan trực tiếp đến vụ TNGT mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; Sử dụng điện thoại di động; sử dụng thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính, sử dụng ô (đối với xe mô tô, xe gắn máy); đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào, trừ các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; dừng, đỗ xe sai quy định; không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 10km/h đến 35km/h; xe mô tô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ trên 10km/h đến 20km/h…

Đáng chú ý, Bộ Công an quy định rõ GPLX khi bị trừ hết điểm sẽ thuộc trường hợp bị thu hồi. Thẩm quyền quy định về cấp, cấp lại, đổi, thu hồi GPLX thuộc Bộ trưởng Bộ Công an (trừ GPLX của lực lượng quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng).

Theo đại diện Cục CSGT, 12 điểm của GPLX tương ứng với 12 tháng trong năm, được lấy theo kinh nghiệm của một số quốc gia đã áp dụng cách làm này.

Điểm số không thể hiện trực tiếp trên GPLX mà được mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu điện tử. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống dữ liệu, CSGT chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy là biết GPLX của tài xế đó còn bao nhiêu điểm.

Cục CSGT đánh giá đây là biện pháp quản lý văn minh và toàn diện, kỳ vọng quy định về điểm GPLX sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của tài xế.

Về việc quy định điểm số cho từng hành vi vi phạm cụ thể, đại diện Cục CSGT cho hay đã tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia có hệ số an toàn giao thông cao và sử dụng hình thức trừ điểm (Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...) để sớm xây dựng hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.

Lo ngại phát sinh tiêu cực

28-loi-vi-pham-nay-se-bi-tru-diem-trong-giay-phep-lai-xe

Người điều khiển xe cơ giới sẽ bị trừ điểm trên GPLX nếu có các hành vi vi phạm theo quy định.

Liên quan đến quy định về điểm trong GPLX tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ lần thứ 2 của Bộ Công an, anh Nguyễn Hoàng Long (36 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, việc "cấp vốn" cho mỗi người 12 điểm trên GPLX mang tính răn đe cao, từ đó tài xế sẽ phải chú ý hơn khi ra đường để không bị trừ điểm. Ai cũng sợ bị tước bằng lái, do vậy sẽ phải rất cẩn thận khi tham gia giao thông bởi chỉ cần 2 - 3 lần vi phạm là GPLX coi như hết tác dụng.

Trong khi đó, anh Nguyễn Như Hoà (30 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) đang là tài xế một hãng taxi công nghệ cho rằng, việc không tước GPLX ngay mà trừ điểm sẽ tạo điều kiện cho lái xe có cơ hội sửa chữa và rút kinh nghiệm.

"Hiện nay, nếu mắc lỗi nặng có thể bị tước bằng lái vài tháng, điều này sẽ gây khó khăn cho những người kiếm sống bằng nghề lái xe như chúng tôi. Việc trừ điểm vừa mang tính răn đe lại vừa nhân văn hơn khi lái xe còn cơ hội để sửa sai", anh Hoà chia sẻ.

Tuy nhiên, quy định trên vẫn nhận được nhiều ý kiến băn khoăn. Một số lái xe cho rằng, tuy số điểm của GPLX được liên thông trên hệ thống, được quản lý bằng máy móc nhưng việc phát hiện, xử lý vi phạm vẫn là do con người trực tiếp đảm nhận, có thể dẫn đến sai sót, thậm chí tiêu cực.

"Hết điểm sẽ coi như bị tước bằng lái, áp lực này có thể nảy sinh việc "hối lộ" lực lượng chức năng để không bị lập biên bản và trừ điểm", anh Võ Hồng Nhân (quê Nghệ An) nêu ý kiến.

Cũng theo anh Nhân, muốn áp dụng chế tài với người lái xe thì hệ thống cơ sở hạ tầng, biển báo, vạch kẻ đường phải chuẩn. Đồng thời có các công cụ hỗ trợ như camera giám sát thì người dân sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ. 

Bộ Công an đang chỉ đạo Cục CSGT triển khai phần mềm xử lý vi phạm. Khi phần mềm này ra đời, toàn bộ phương tiện vi phạm, GPLX của người vi phạm đã có trong dữ liệu.

Lúc CSGT ra quyết định xử phạt sẽ nhập dữ liệu vào phần mềm này, từ đó, sẽ kiểm soát được tất cả những lỗi lái xe đã vi phạm.

Đại diện Cục CSGT cũng cho biết, trường hợp cảnh sát lập biên bản xử phạt hành chính, người vi phạm bị phạt tiền và bị trừ điểm tương ứng với lỗi ghi trên biên bản, số điểm bị trừ sẽ được cập nhập lên hệ thống dữ liệu bằng lái.

Quyết định định xử phạt chỉ ghi phạt tiền mà không ghi số điểm bị trừ sẽ không hợp lệ, qua đó tránh tiêu cực với trường hợp tài xế đưa tiền để không bị trừ điểm.

Theo GiaDinh