14 tấn lưỡi bò không đảm bảo an toàn thực phẩm, nguy cơ gây hại sức khỏe bị tiêu hủy

Trong công tác kiểm tra, kiểm soát lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và tiêu hủy lượng lớn lưỡi bò tươi sống vi phạm về an toàn thực phẩm.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn cho biết, mới đây Đội QLTT số 7 đã thành lập Hội đồng xử lý tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng gồm các cơ quan có liên quan để tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính gồm 14 tấn lưỡi bò là thực phẩm tươi sống, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, gây hại sức khỏe con người.

Cụ thể trước đó, Đội QLTT số 7 phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông, công an huyện Văn Lãng kiểm tra phát hiện trong xe ô tô tải biển kiểm soát 29H-768.63 vận chuyển 700 thùng bìa cát tông có chữ nước ngoài (mỗi thùng có trọng lượng 20kg) với tổng trọng lượng lên đến 14 tấn.

14-tan-luoi-bo-khong-dam-bao-an-toan-thuc-pham-nguy-co-gay-hai-suc-khoe-bi-tieu-huy

 Lượng lớn lưỡi bò vi phạm an toàn thực phẩm bị tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, trong các thùng bìa cát tông có chứa sản phẩm là lưỡi bò không có thông tin ngày tháng năm sản xuất, thời hạn sử dụng, không truy xuất được nguồn gốc…

Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, không có giấy kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa hơn 2,2 tỷ đồng. Tang vật là thực phẩm tươi sống, không đảm bảo an toàn thực phẩm, gây hại sức khỏe con người và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên việc tiêu hủy ngay tang vật vi phạm hành chính là cần thiết.

Tại buổi tiêu hủy, toàn bộ số thực phẩm trên được cho xuống hố sâu, nghiền nát, rắc vôi bột sau đó lấp đất lên trên tại bãi rác thải Tân Lang, xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn...dưới sự chứng kiến, giám sát của Hội đồng xử lý gồm Đội QLTT số 7 cùng đại diện một số lực lượng chức năng như: Công an; Viện kiểm sát nhân dân; Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Văn Lãng…và lái xe chở hàng hóa vi phạm.

Quá trình tiêu hủy tang vật đảm bảo tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Co-vid 19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế cũng như đảm bảo quy trình tiêu hủy đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hành vi bán thực phẩm bẩn là hành vi phạm pháp luật

Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010; quy định an toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe; tính mạng con người.

Thực phẩm bẩn là tên gọi khi nhắc tới những loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y Tế. Mỗi loại thực phẩm đều có quy định riêng về ngưỡng an toàn và khi có loại thực phẩm nào đó chứa những yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe con người; thì mới được gọi là thực phẩm không an toàn.

Thực phẩm bẩn giờ đây đã trở thành một vấn đề chung của xã hội; tuy khó phát hiện nhưng người tiêu dùng có thể phòng tránh; bằng cách cẩn thận trong chọn mua và nấu nướng hàng ngày. Nên xem xét nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm cũng như tìm mua từ những nơi tin cậy uy tín; để tránh dùng phải thực phẩm không an toàn gây nguy hại cho sức khỏe; nghiêm trọng hơn là gây ngộ độc thực phẩm.

Theo Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định 115/2018/NĐ-CP; quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng của người khác thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Mức phạt hành chính hành vi bán thực phẩm kém chất lượng

Khoản 1 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP; quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm như sau:

“Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức”

Hành vi sử dụng, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm bẩn sẽ bị phạt như sau:

Phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất; chế biến thực phẩm; mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng…

Phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh; hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật; để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh; hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10 triệu đồng…

Phạt tiền 80-100 triệu đồng đối với người sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh; hoặc động vật bị tiêu hủy để chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo VietQ