11 người chết vì sốt xuất huyết, 6 cách phòng bệnh ai cũng làm được dễ dàng

96.000 người mắc sốt xuất huyết, 11 người tử vong. Trong tháng 7, ngành y tế liên tục ghi nhận số mắc và tử vong vì sốt xuất huyết tăng không ngừng.

Tại Hội nghị Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) các tỉnh phía nam năm 2019 vừa được Bộ Y tế tổ chức tại TP HCM, đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 96.000 ca mắc SXH , tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018 và đã có 11 ca tử vong vì sốt xuất huyết.

Các tỉnh có số ca mắc SXH nhiều nhất là TP.HCM với hơn 27.000 ca (5 ca tử vong), tiếp theo là Khánh Hòa gần 6.800 ca (1 ca tử vong), Đồng Nai gần 5.600 ca, Bình Dương gần 5.000 ca (1 ca tử vong)...

11-nguoi-chet-vi-sot-xuat-huyet-6-cach-phong-benh-ai-cung-lam-duoc-de-dang

Khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: T.G

Qua phân lập tuýp virus gây bệnh (D1, D2, D3 và D4) cho thấy rõ tuýp D2 chiếm đến 50%, tiếp theo là tuýp D1 chiếm 27%.

Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, năm nào xuất hiện bệnh nhân mắc SXH tuýp D2 nhiều thì năm đó số ca bệnh sẽ tăng và nặng. Do vậy, Cục đề nghị các tỉnh tăng cường tập huấn cho tuyến dưới về dấu hiệu bệnh nặng SXH. Nếu cơ sở y tế nhận thấy trẻ bệnh nặng, quá khả năng điều trị thì chuyển tuyến trên, tuy nhiên nếu đánh giá sẽ nguy hiểm trên đường chuyển viện thì phải tham vấn tuyến trên để đều trị tại chỗ.

Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện 6 biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, cụ thể:

Một là, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hai là, hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

Ba là, hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Bốn là, ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Năm là, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Sáu là, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá dịch SXH gia tăng, nguy cơ lan rộng, nhất là khu vực miền Trung và Tây Nguyên. 

"Giám sát dịch bệnh là ưu tiên số 1 của ngành y tế" - Bộ trưởng chỉ đạo.

Cùng đó, có hệ thống báo cáo ca bệnh tốt; có số liệu dự báo số ca mắc trung bình, số ca tử vong hằng năm, tuýp vi rút lưu hành cao để chuẩn bị nhân, vật lực chống dịch. Xác định ổ dịch nhỏ, lớn để xử lý, diệt lăng quăng và phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng.

Theo GiaDinh